10:23 25/10/2012

Báo động nạn bắt cóc trẻ em ở Ấn Độ

Cậu bé Shivam Singh, 13 tuổi, trước khi chạy ra ngoài mua một hộp kẹo đã hứa với mẹ sẽ trở về nhà ngay để làm bài tập. Tuy nhiên, Shivam đã không bao giờ trở lại và có tên trong danh sách 50.000 trẻ em mất tích mỗi năm ở Ấn Độ.

Cậu bé Shivam Singh, 13 tuổi, trước khi chạy ra ngoài mua một hộp kẹo đã hứa với mẹ sẽ trở về nhà ngay để làm bài tập. Tuy nhiên, Shivam đã không bao giờ trở lại và có tên trong danh sách 50.000 trẻ em mất tích mỗi năm ở Ấn Độ.


 

Vợ chồng bà Pinky Singh cầm tấm ảnh cậu con trai Shivam Singh bị mất tích.

 

Nhớ về buổi tối định mệnh hồi tháng 7/2012, khi cậu con trai Shivam ra khỏi nhà, bà mẹ Pinky Singh kể lại: “Con trai tôi vẫn còn để sách trên bàn, vội vàng xỏ dép chạy ra ngoài. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó”.


Ba tháng đã trôi qua, ngồi trên giường mân mê các đồ chơi của con, bà Pinky Singh cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến những gì có thể xảy đến với đứa con dấu yêu. Bà cho biết: “Tôi thường cầu nguyện để con trai mình không bị đưa vào con đường nghiện ngập hoặc trộm cướp. Nó là một đứa bé ngây thơ và chăm chỉ”.


Theo số liệu gần đây của Ấn Độ, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 trẻ em ở thủ đô Niu Đêli bị mất tích, ít nhất 6 em trong số đó trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán người.


Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết mỗi năm có khoảng 1,2 triệu trẻ em là nạn nhận của nạn buôn bán trẻ em trên khắp thế giới. Các thành phố lớn của Ấn Độ như Niu Đêli và Mumbai là đích ngắm của các băng nhóm tội phạm, mà theo cảnh sát, các băng nhóm này bắt cóc trẻ em để phục vụ công việc buôn bán ma túy.


Tháng 8/2012, Tòa án tối cao của Ấn Độ đã đề nghị chính quyền liên bang và chính quyền các bang cung cấp số liệu về 50.000 trẻ em mất tích sau khi có cáo buộc họ không giải quyết được tình trạng buôn bán trẻ em do các nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện.


Cảnh sát cho biết họ đã cứu thoát hàng trăm trẻ em bị ép buộc lao động trong các nhà máy, song thừa nhận đôi khi cũng phải bó tay trong một số trường hợp.
Các thám tử liên bang của Ấn Độ thừa nhận hồi cuối năm 2011, nước này có 815 băng nhóm tội phạm với số thành viên hơn 5.000 người có liên quan đến hoạt động bắt cóc trẻ em phục vụ việc ăn xin và mại dâm trên khắp cả nước.


Người phát ngôn cảnh sát thành phố Niu Đêli, Rajan Bhagat nói với phóng viên hãng AFP: “Chúng tôi thường xuyên phát hiện trẻ em bị bắt cóc và bị ép đến làm việc tại các nhà máy, cửa hàng và gia đình như một nguồn nhân công rẻ. Họ cũng bị bóc lột làm những nô lệ tình dục hoặc bị đưa đến những nước có ngành công nghiệp khiêu dâm trẻ em”.


Theo ông Bhagat, các băng nhóm này thường nhắm đến những trẻ em ở các khu ổ chuột tại các thành phố, bởi họ có thể dễ dàng tìm kiếm và dụ dỗ các em đi theo bằng thức ăn rồi sau đó bắt cóc.


Cậu bé Sharath Kumar, 13 tuổi, là người hiểu mối nguy hiểm này hơn ai hết. Là con trai của một chủ cửa hàng nhỏ ở Niu Đêli, vào năm lên 9 tuổi, Kumar đã từng bị bắt cóc khi đang chờ mẹ đến đón ở trường. Kumar kể: “Một người đàn ông đột nhiên trùm chiếc áo lên mặt cháu. Ông ta lôi cháu đi và dọa sẽ giết nếu kêu cứu”.


Tuy nhiên, vụ bắt cóc này đã được phát hiện do các bạn nghe thấy tiếng kêu cứu của Kumar. Cảnh sát đã giải cứu thành công Kumar và đưa cậu bé đoàn tụ với gia đình. Vụ việc trên đã dạy cho bà Laxmi, mẹ của Kumar một bài học nhớ đời. Bà cho biết: “Khi con trai tôi bị bắt cóc, cảnh sát yêu cầu gia đình cung cấp bức ảnh gần nhất nhưng tôi không có tấm ảnh nào của cháu. Tôi thực sự hối hận và đã trách móc chồng về sự bất cẩn của chúng tôi”.


Sau sự việc trên, bà luôn chụp ảnh chân dung cho hai cậu con trai 6 tháng một lần. Các nhà điều tra cho biết, việc thiếu các bức ảnh đã khiến cho họ không thể phát hiện được những trẻ em bị bắt cóc.


Trong khi đó, may mắn vẫn chưa đến với bà Pinky Singh. Bà Singh vẫn mòn mỏi ngóng chờ tin con. “Mỗi buổi sáng khi thức dậy, điều duy nhất mà tôi mong ngóng là được nhìn thấy con. Chờ đợi là điều có ý nghĩa duy nhất đối với tôi lúc này”.

 

L.H (theo AFP)