09:20 08/09/2014

Bảo đảm tính khả thi của Luật Căn cước công dân

Theo Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, việc cấp thẻ căn cước công dân phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn bởi theo dự thảo Luật thì mỗi người phải đổi thẻ nhiều lần, gây tốn kém và thêm thủ tục.

Theo Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, việc cấp thẻ căn cước công dân phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn bởi theo dự thảo Luật thì mỗi người phải đổi thẻ nhiều lần, gây tốn kém và thêm thủ tục, chưa thể tiến tới một Chính phủ điện tử.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư


Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Căn cước công dân, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Điểm mới của dự thảo Luật căn cước công dân lần này so với Dự thảo Luật trình quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là bổ sung một chương quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để Chính phủ triển khai xây dựng Cơ cở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý nhà nước về dân cư theo Đề án 896 của Chính phủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, ngành công an hiện đang lưu trữ, khai thác hệ thống tàng thư Chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu (cùng với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác đã và đang được hình thành). Những thông tin, tài liệu sẵn có này là nguồn quan trọng cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí cho việc đầu tư nhân lực, tiền của và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu. “Với nguồn lực về con người, tổ chức, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng thông tin, kinh nghiệm đã tích lũy, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, chính quyền địa phương thì việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi”, ông Khoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này trong Luật Căn cước công dân chưa thật sự phù hợp. Theo đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông), dữ liệu quốc gia về dân cư bao trùm rất nhiều luật: Luật Cư trú, Luật Hộ tịch.... Tuy nhiên, theo quy định tại điều 9 về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì nội dung lại rất hẹp. Đến điều 16 về căn cước công dân lại bao hàm cả dữ liệu về dân cư (điều 9). “Nếu nội dung đã đầy đủ thì không cần quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nữa. Luật này chỉ giới hạn trong một vấn đề là căn cước công dân thôi”, ông Long đề nghị.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho rằng không nên đưa cơ sở dữ liệu quốc gia vào phạm vi điều chỉnh của luật này và đề nghị đưa nội dung mã số định danh cá nhân. Theo ông Mạo, cơ sở dữ liệu quốc gia là phạm vi rất lớn, cần được xem xét một cách bài bản. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lại tán thành với việc bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào Luật Căn cước công dân. Ông Sơn nhấn mạnh, việc bổ sung như thế này chưa thật sự đầy đủ nhưng phù hợp với tình hình thực tiễn. “Trong hệ thống luật hiện hành và trong tương lai, có lẽ không có luật nào quy định nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai nội dung cùng được điều chỉnh trong Luật căn cước công dân không rời rạc mà gắn kết chặt chẽ với nhau”, ông Sơn cho biết.

Băn khoăn thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi

Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cũng có những băn khoăn về lợi ích thực sự của việc cấp thẻ.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt vấn đề về việc quy định thẻ Căn cước thay thế giấy khai sinh nhưng thực tế nhiều nơi yêu cầu phải có. “Thẻ cấp không ghi tên cha mẹ như giấy khai sinh trong khi ở độ tuổi này, giao dịch với các cháu luôn gắn tên với bố mẹ. Vậy làm thế nào để biết tên họ? Tôi lấy ví dụ đơn giản, các cháu vào bệnh viện khám bệnh thì liệu ở đó có thiết bị đọc để phát hiện được thân nhân (bố, mẹ) cháu hay không? Cơ sở vật chất hiện nay chắc chắn là chưa đáp ứng được”, ông Sơn băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng cho rằng, trong những trường hợp như thế này thì việc cấp phát sẽ gây tốn kém một khoản không nhỏ.

Nhấn mạnh về việc cấp đổi thẻ, đại biểu Trần Đình Long cho rằng theo quy định như dự thảo luật thì mỗi người từ khi sinh ra đến về già phải đổi thẻ nhiều lần, gây tốn kém và thêm thủ tục. “Luật quy định hạn sử dụng thẻ căn cước của người dưới 15 tuổi là từ khi cấp thẻ đến khi người đó đủ 14 tuổi, tức là trẻ em mới sinh thì thời hạn sử dụng thẻ khoảng 14 năm. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra và khoảng 2 triệu người cần cấp lại thẻ. Việc này là hết sức tốn kém. Số định danh không thay đổi qua các lần thay đổi thì sao phải thay đổi thẻ liên tục, sao không cập nhật? Đó là chưa kể đến sự trùng lắp thông tin khi nhiều người trong gia đình phải khai báo”, đại biểu Trần Ngọc Long nêu ý kiến.


Trong ba ngày (từ ngày 8 – 10/9/2014), Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Trong buổi làm việc đầu tiên (sáng 8/9), hội nghị đã cho ý kiến về Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Các đại biểu đã đóng góp ý kiến ở các nội dung: quy định tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động Quốc hội cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.



Thu Phương