10:06 27/10/2014

Bảo đảm tính độc lập của tòa án trong xét xử

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp...

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, PGS.TS Đinh Xuân Thảo (ảnh), Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp cũng như các quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm tính độc lập của tòa án trong xét xử.


Thưa ông, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp cũng như các quy định của Hiến pháp năm 2013 như thế nào?


Các quy định về TAND được hiến định tại Chương VIII của Hiến pháp đã xác định cụ thể vị trí, vai trò của TAND trong bộ máy cơ quan nhà nước. Trước hết, Hiến pháp 2013 khẳng định TAND là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, ngoài chương quy định về Quốc hội, Chính phủ thì có một chương quy định về cơ quan tư pháp và trong nội dung này chỉ để cập đến tòa án, có nghĩa là đã coi tòa án là cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, các bản Hiến pháp tiếp theo lại dùng khái niệm các cơ quan tư pháp gồm: cơ quan truy tố, cơ quan xét xử tức là có Viện Kiểm sát (VKS), TAND. Lần này, chương VIII quy định về TAND, VKSND xác định rõ chỉ có tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp. Đây là nội dung mới, có nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm phân định quyền lực Nhà nước theo hướng Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Về chức năng, nhiệm vụ của tòa án được quy định khái quát trong Hiến pháp 2013. Theo đó, TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, dự thảo luật tổ chức TAND sửa đổi đã luật hóa cụ thể hơn về nội dung này bằng việc quy định rõ rằng thông qua hoạt động của mình, TAND góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội và ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Dự thảo luật lần này cũng cụ thể hóa lĩnh vực TAND xét xử. Đó là các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, lao động... và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật. Khi xét xử như thế, TAND phải xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu chứng cứ đã thu thập trong quá trình tố tụng và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án. Đây là điểm mới, quyết định việc có tội hay không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền, nghĩa vụ về tài sản cũng như nhân thân. Nội dung này trong dự án luật nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong Hiến pháp (tức là người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự do luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật).

Trong dự án luật cũng quy định cụ thể quyền của tòa án khi thực hiện nhiệm vụ xét xử hình sự. Theo đó, Tòa án có quyền xem xét kết luận tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra truy tố xét xử hoặc có quyền xem xét, kết luận tính hợp pháp các chứng cứ, tài liệu do cơ quan điều tra, điều tra viên, VKS, Kiểm sát viên, luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng cung cấp. Đây là điểm mới, thể hiện thẩm quyền (quyền tư pháp) của tòa án. Như ở các nước, người ta quy định rõ thẩm quyền của thẩm phán, tòa án đối với các cơ quan tham gia tố tụng. Chẳng hạn: họ quy định điều tra viên muốn nghe lén, nghe trộm nghi can thì phải xin phép thẩm phán. Thẩm phán có quyền đó là do Tòa án có quyền tư pháp.

Đối với quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đây cũng là điểm mới, thể hiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp.


Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, tính độc lập của tòa án được đặt lên hàng đầu. Theo ông, dự thảo luật lần này đã đưa ra những quy định nào để đảm bảo tính độc lập này?


Điểm mới của dự thảo Luật là tòa án thực hiện xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh... và các quy định khác theo quy định của luật tố tụng. Tức là nếu có những việc cơ quan điều tra, cơ quan truy tố đưa ra mà tòa án thấy chưa bảo đảm về mặt chứng cứ để buộc tội hay để ra một quyết định dân sự hay kinh tế thì tự tòa sẽ đi thu thập tài liệu, chứng cứ theo cách riêng của mình. Việc xác minh này là một hoạt động điều tra mà hoạt động này trước đây chỉ có cơ quan điều tra, cơ quan công tố tức là VKS, công an mới có quyền tiến hành. Điều này thể hiện tính độc lập của Tòa án trong việc xét xử, tức là để bảo đảm tính khách quan.

Tính độc lập của tòa án cũng được thể hiện trong dự thảo khi quy định cụ thể vai trò của thẩm phán cũng như hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử. Điều 9 dự thảo Luật quy định: Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

Nói đến độc lập có mấy cấp độ: độc lập theo chiều dọc tức là giữa hệ thống cơ quan tư pháp với hệ thống cơ quan khác; theo chiều ngang là độc lập giữa thẩm quyền xét xử, giữa cấp sơ thẩm, phúc thẩm; độc lập giữa người trực tiếp xét xử (thẩm phán) với ông chánh án và thứ tư là thẩm phán, hội đồng xét xử có quyền độc lập là tự mình dựa vào pháp luật để quyết định. Cả 4 nội dung này theo đúng tinh thần của Hiến pháp và tôi thấy trong dự thảo luật này đã thể hiện được rất rõ.

Thu Phương (thực hiện)