07:06 21/07/2014

Bảo đảm an sinh xã hội cho vùng dân tộc và miền núi

Kết quả thanh tra Dự án điện mặt trời cho một số xã nghèo vùng dân tộc thiểu số; di dân ra khỏi vùng xung yếu trong khi mùa mưa bão đã đến, cũng như việc giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi...

Kết quả thanh tra Dự án điện mặt trời cho một số xã nghèo vùng dân tộc thiểu số; di dân ra khỏi vùng xung yếu trong khi mùa mưa bão đã đến, cũng như việc giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi là những vấn đề lớn mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trả lời trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

 

Không có lãng phí trong dự án điện mặt trời

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết: Năm 2001, Chính phủ Phần Lan đã tài trợ cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện dự án điện mặt trời bằng nguồn vốn ODA, với tổng trị giá 5,3 triệu Euro. Tuy nhiên, dự án được tài trợ hoàn toàn bằng thiết bị, vật tư và hệ điện, không tài trợ tiền.

 

Theo Quyết định của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, dự án được triển khai để lắp hệ điện đến 70 xã, thuộc 17 huyện của 8 tỉnh và chỉ cung cấp điện đến trụ sở UBND xã, không phục vụ điện thắp sáng cho người dân.

 

Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, việc triển khai dự án điện mặt trời do Phần Lan tài trợ một thời gian bị ngừng trệ, do một số địa bàn không có đường ô tô, rất nhiều xã nằm trên đỉnh núi, nên việc thuê nhà thầu thi công gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, triển khai nguồn lực tài trợ này. Ủy ban Dân tộc đã thành lập Ban quản lý dự án và làm việc với các cơ quan chuyên ngành về điện mặt trời. Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

 

“Sau khi có ý kiến người dân về tình trạng lãng phí của dự án, Ủy ban Dân tộc đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện dự án. Vì đây là dự án tài trợ hoàn toàn bằng thiết bị, nên trong quá trình thi công không tránh khỏi tình trạng thiết bị phơi mưa, phơi nắng; tuy nhiên, việc thất thoát vật tư, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện là hoàn toàn không có”, Bộ trưởng khẳng định.

 

Chăm lo đời sống đồng bào


Bộ trưởng Giàng Seo Phử, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chính thức nghe Ủy ban báo cáo về tình hình rà soát chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc; nghe Hội đồng Dân tộc của Quốc hội báo cáo thêm tình hình dân tộc thiểu số và một số vấn đề khác về công tác giám sát của Quốc hội đối với các chính sách này. Qua đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan, trực tiếp là Ủy ban Dân tộc, cần xây dựng nhiều chính sách cụ thể, thiết thực, quan tâm nhiều hơn nữa đến đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là bố trí đủ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào, nhất là những hộ nghèo, không để tình trạng người dân thiếu đất, không có kế sinh nhai. Các địa phương bố trí đất để người dân chuyển đổi ngành nghề làm sao có thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hạn chế tình trạng di cư tự do... Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc sắp xếp, bố trí lại đất đai của các nông lâm trường, chuyển giao quỹ đất trồng rừng không hiệu quả cho chính quyền địa phương để chính quyền địa phương bố trí, sắp xếp lại đất đai cho đồng bào, không để tình trạng người dân không có đất sản xuất.


Về vấn đề đang “nóng” hiện nay là di dời đồng bào dân tộc miền núi ra khỏi vùng xung yếu, nguy hiểm khi mùa mưa đã đến, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng, đây là vấn đề lớn đòi hỏi sự quan tâm chung của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Bày tỏ quan ngại trước diễn biến phức tạp của mùa mưa lũ năm nay, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy Ban Dân tộc sẽ trao đổi, thống nhất và chỉ đạo các địa phương tiếp tục thông tin đến đồng bào ở ven sông, ven suối, vùng cao về những địa điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, chủ động phòng tránh. Cấp ủy chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan kịp thời khảo sát những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, chủ động phòng tránh. Các địa phương chuẩn bị các nguồn lực để ứng cứu khi xảy ra sự cố, kịp thời cứu hộ, cứu nạn.

 

Trọng Thủy