06:07 19/06/2015

Báo chí và doanh nghiệp đồng hành phát triển

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với báo chí ngày càng trở nên khăng khít. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong muốn báo chí: “Bền gan, sắc bút, sáng tâm và yêu doanh nghiệp”.

Tại Diễn đàn đối thoại Doanh nhân với nhà báo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp (DN) cùng quan điểm: Báo chí và DN phải chủ động làm bạn, chia sẻ với nhau chứ không dừng ở việc đối thoại.

Bài báo sai có thể giết chết doanh nghiệp

Ông Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận khách quan, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát các cơ quan nhà nước cải cách hành chính, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, có những nhà báo đã không tôn trọng bản chất của sự việc, hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì một động cơ nào đó. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các DN.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân và các nhà báo trong lễ nhận kỷ niệm chương ''Vì sự phát triển Doanh nghiệp''.


Không ít người mang danh “phóng viên”, “nhà báo” không tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện vòi vĩnh DN, tạo hình ảnh xấu về báo chí nói chung. Đây là hệ quả của lối làm ăn chụp giật, vô trách nhiệm, xuất phát từ động cơ xấu của một bộ phận phóng viên. Cũng có thể do sức ép từ dòng chảy thông tin khiến một số nhà báo không đủ điều kiện thẩm định, kiểm chứng thông tin.

Nhà báo Nguyễn Quang Vinh, Tổng biên tập báo Tin Tức (TTXVN) cho rằng, thông tin báo chí có thể làm nổi danh một thương hiệu, vực dậy một DN đang khó khăn, nhưng nếu đưa tin không đúng, có dụng ý xấu có thể làm sụp đổ một thương hiệu, phá sản một DN. Ông nhấn mạnh, hiện vẫn có phóng viên cố tình phản ánh phiến diện rồi khái quát lên làm sai lệch bản chất sự việc làm tổn hại uy tín của DN. Có nhà báo ép DN phải mua quảng cáo hoặc phóng viên viết bài về vi phạm của DN rồi vòi tiền DN để không đăng bài lên báo. Một số DN cho biết, có ngày phải tiếp đến 15 người là phóng viên hoặc cộng tác viên đến xin quảng cáo.

“Đừng để DN sợ báo chí. Cứ báo chí tìm đến là nghĩ ngay rằng phóng viên đến để vạch cái sai. Bên cạnh rất nhiều nhà báo có đạo đức, vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh, làm xấu hình ảnh báo chí Việt Nam. Làm sao phải tạo ra môi trường để DN và báo chí tin cậy lẫn nhau, thực sự báo chí đồng hành cùng DN”, nhà báo Nguyễn Quang Vinh trăn trở.

Nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập báo Đại đoàn kết cho rằng, nhiều khi phóng viên nhiệt huyết quá, cảm xúc bị quá lên, không kiềm chế được thì thông tin có thể làm hại chính đối tượng của bài báo. Ngay cả khi nhìn vào các sự cố của DN thì nhà báo cũng phải có liều lượng. Khi sự cố của DN xảy ra, cả báo chí lẫn DN phải suy nghĩ để gỡ chứ không làm trầm trọng vấn đề lên. Báo chí đấu tranh chống tiêu cực để loại trừ tiêu cực chứ không diệt trừ người dính tiêu cực. Báo chí phải mang tính xây dựng nhiều hơn.

“Phóng viên khi viết về DN, phải có ý kiến của người được viết đến, không quan sát một chiều vì sự thật chưa chắc đã là cái ta nhìn thấy. Đằng sau sự thật chúng ta đang nhìn thấy có thể có rất nhiều sắc màu khác nhau. Một trong những thủ pháp tôi không thích là một số phương tiện thông tin đại chúng cắt cúp, biên tập thông tin làm khác hẳn bản chất vấn đề. Một bức tranh mà thay đổi vài sự vật xung quanh thì có thể làm thay đổi bản chất của nó”, nhà báo Hồng Thanh Quang chia sẻ.

Các nhà báo đều cho rằng, mặc dù DN có phạm khuyết điểm nhưng báo chí cần giúp DN nhìn nhận ra khuyết điểm để sửa chữa. Coi trọng việc phát hiện, cổ vũ những doanh nhân tiêu biểu, những DN làm ăn có hiệu quả. Khi thông tin về những mặt hạn chế của sản phẩm hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cần kiểm chứng khách quan, khoa học và chính xác, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng và tạo khủng hoảng truyền thông cho DN.

Doanh nghiệp cần báo chí góp sức

Các DN cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với báo chí. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, DN đang hội nhập nhưng không thể biết hết các thông tin, quy định liên quan nên còn lúng túng. Vì vậy, DN cần báo chí tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để có thông tin chủ động ứng phó. Ông Đoàn cũng đề nghị các cơ quan báo chí mạnh dạn phản ánh những khó khăn, vướng mắc, trăn trở của DN tới các cơ quan quản lý.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương, hiện không thiếu nhà báo có tâm, có đức và tinh thần vì sự phát triển xã hội. Nhưng cũng có những nhà báo chưa làm hết trách nhiệm của mình, là những "con sâu" làm ảnh hưởng uy tín của giới báo chí. DN không nên “sợ” nhà báo mà cần chủ động khẳng định mình là đối tác của nhà báo.

Liên quan đến mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, nhiều khi báo chí còn bảo vệ DN hơn cả chính DN bảo vệ mình, bởi có những điều DN không dám nói mà báo chí nói hộ. “Một bài báo có thể chắp cánh cho DN bay lên nhưng cũng có thể đưa DN xuống mồ. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay, sẽ có những DN “ngã”, mong báo chí hãy chìa tay cứu họ”, ông Lộc khẳng định.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội kể lại câu chuyện cách đây 5 năm như một ví dụ điển hình về vai trò đồng hành của báo chí với DN. “Chúng tôi làm một dự án rất lớn nhưng sau 3 năm “đánh vật” với giải phóng mặt bằng thì mọi giải pháp đều tỏ ra bất lực. Cuối cùng, tôi nghĩ cách là đề nghị báo chí phân tích cụ thể hơn về giá trị của dự án đó. Sau khi tổ chức hội nghị ở xã, chúng tôi đưa bài báo đó đến từng người dân. Sau 20 ngày, 100% hộ dân đã nhận tiền đề bù”.

Chốt lại vấn đề, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và DN ngày càng được đẩy mạnh. Thời gian tới, báo chí và cộng đồng DN sẽ tích cực hơn nữa trong công tác giám sát các cơ quan Chính phủ thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, cũng như Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về “Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016”.

Trên cơ sở Nghị quyết 19, sẽ ban hành kế hoạch hợp tác cụ thể hơn cho báo chí và DN trong việc giám sát các cơ quan thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. “Cuối tháng 6, chúng tôi sẽ công bố chỉ số đo lường sự hài lòng, tín nhiệm của cộng đồng DN với các Bộ ngành và địa phương”, ông Lộc cho hay.

Hoàng Dương