07:17 17/07/2014

Báo chí thế giới đưa tin việc Trung Quốc di dời giàn khoan

Báo chí Nhật Bản và Ấn Độ đã đưa tin về việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Báo chí Nhật Bản và Ấn Độ đã đưa tin về việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.


Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, mạng tin "Sankei" ngày 17/7 đăng bài viết với dòng tít "Do áp lực quốc tế và tính toán sai lầm, Trung Quốc buộc phải di dời giàn khoan ở Biển Đông". Bài báo nêu rõ việc Trung Quốc quyết định di dời giàn khoan sớm hơn so với dự kiến một tháng là do Trung Quốc phải chịu áp lực mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế, trong khi các nước Đông Nam Á ngày càng mất niềm tin vào Trung Quốc.


Trước đó, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 16/7 cũng đưa tin về việc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc thông báo hoàn tất hoạt động khoan thăm dò và giàn khoan Hải Dương-981 đang di chuyển về phía đảo Hải Nam. Theo Kyodo, kể từ đầu tháng 5 đến nay, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan trong khoảng hai tháng rưỡi đã gây ra những tình huống căng thẳng, trong đó có các vụ đâm, va giữa tàu công vụ và tàu cá hai nước. Tuy nhiên, việc Trung Quốc di dời giàn khoan sớm hơn so với dự kiến cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng xoa dịu tình hình.


Mạng tin "Yomiuri" cũng cho rằng việc Trung Quốc di dời giàn khoan cho thấy Bắc Kinh muốn sớm kết thúc hoạt động của giàn khoan trước thời điểm diễn ra hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 8 tới.


Trong khi đó, báo chí Ấn Độ cùng ngày cũng đưa tin về việc Trung Quốc di dời giàn khoan. Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn tờ "The Times of India" (Thời báo Ấn Độ) ngày 17/7 nhận định việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan khỏi khu vực gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông đã làm giảm nguy cơ đụng độ, song ít có khả năng phục hồi được quan hệ giữa hai nước. Theo báo trên, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan được coi như một phần chiến lược của Bắc Kinh dần dần "khoanh vùng" tranh chấp của Trung Quốc tại Biển Đông.


Tờ báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại hoặc đưa giàn khoan khác vào vùng biển của Việt Nam và khẳng định "Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế".

 

TTXVN/ Tin tức