12:07 02/12/2012

Bánh đa Nghi Xuân

Bánh đa (bánh khô) Nghi Xuân (Hà Tĩnh), về kích cỡ so với bánh đa các miền thì nó ở độ vừa phải, đường kính khoảng 30cm. Đặc biệt bánh đa này không làm bằng gạo trắng như các nơi khác mà làm bằng gạo chiêm.

Bánh đa (bánh khô) Nghi Xuân (Hà Tĩnh), về kích cỡ so với bánh đa các miền thì nó ở độ vừa phải, đường kính khoảng 30cm. Đặc biệt bánh đa này không làm bằng gạo trắng như các nơi khác mà làm bằng gạo chiêm. Thứ gạo chiêm ngày trước chỉ những người nghèo ăn, nay hiếm đến nỗi đã thành gạo đặc sản.


Gạo màu nâu đỏ, hơi xấu mã, nhưng ăn rất ngon. Nó vừa ngọt, bùi, dẻo, nướng lên thì có mùi thơm rất đặc trưng. Người Nghi Xuân chỉ chọn gạo này để xay thành bột thật nhuyễn, tráng bánh đa. Trên mặt bánh lại được rắc vừng (mè) đen, loại vừng thơm, béo hơn hẳn vừng trắng.


Quạt bánh. Ảnh: Nguyễn Quang Vinh


Bánh đa Nghi Xuân nổi tiếng đến nỗi, thời bao cấp, để làm giả bánh đa Nghi Xuân cho đắt khách, nhiều lò bánh đã chọn cách làm rất thất đức là giã gạch non, lọc lấy nước, bột gạo trắng ngâm vào thứ nước này cũng có màu nâu đỏ, để đánh lừa khách hàng là bánh đa được làm bằng gạo chiêm.


Rồi việc quạt bánh, người Nghi Xuân cũng chọn than gỗ phi lao, loại than đỏ đượm, không độc, dùng quạt nan hoặc quạt giấy phe phẩy. Nhìn các bà, các chị ngồi quạt bánh mà trông cứ như đang múa.


Bánh đa từ màu nâu đỏ bắt hơi than chuyển sang màu hồng trắng. Trên cái màu hồng trắng đó, cơ man nào là hạt vừng chồng lên nhau, trông như những vì sao giữa bầu trời.


Mùi thơm của bánh đa đã quạt vừa chín ấy, là mùi thơm đặc trưng của gạo chiêm, là mùi béo của vừng… lan tỏa từ đầu chợ đến cuối chợ. Bẻ miếng bánh cho vào miệng cứ kêu rôm rốp, giòn tan, thơm thơm, ngầy ngậy…


Bánh đa Nghi Xuân có cả bốn mùa, giá phải chăng, ăn vừa ngon, và có thể ăn no được. Chỉ với 1.500 đồng là mua được chiếc bánh đa mỏng; 3.000 đồng là mua được chiếc bánh đa dày, rất hợp túi tiền bà con dân quê.


Tôi đã được thưởng thức nhiều loại bánh đa ở khắp các miền, cũng có những loại gây được ấn tượng như: Bánh đa nước cốt dừa Bình Định, bánh đa nước đường La Ngà, bánh đa trắng Bắc Giang, bánh đa thập cẩm Nam bộ, bánh đa Đô Lương…


Nhưng công bằng mà nói, nơi thì bánh gây cảm giác béo quá, nơi thì ngọt quá, nơi lại hơi cay. Với lại chẳng nơi nào làm bánh bằng gạo chiêm, nên ăn miếng bánh vào miệng cứ thấy nhàn nhạt thế nào ấy, chẳng phải như bánh đa Nghi Xuân, đậm đà đến lạ. Ai đã từng thưởng thức một lần thì suốt đời khó mà quên được.


Người Nghi Xuân ưa bánh đa quê mình vì nhiều lẽ. Các bà, các chị đi chợ về, người dân quê vốn ít tiền nên có thể mua chiếc bánh đa về nhà bẻ ra là đủ chia phần cho vài ba đứa con, cháu. Người làm thợ, đi thồ, cuốc đất, cày ruộng… làm những công việc nặng nhọc, đến bữa có thể nướng chiếc bánh đa lên làm món nhậu đủ trôi vài “quai” rượu, chẳng những “đánh lừa được cơn mỏi, cơn đau” mà còn vừa ngon, vừa hợp khẩu vị, vừa no lại vừa túi tiền.


Người sành ăn uống, khi ăn phở, ăn cháo thích bẻ bánh đa vào tô cho dậy mùi thơm, thêm mùi béo. Sành điệu hơn thì họ bẻ bánh đa thành từng thanh dài dùng làm thìa để múc cháo ăn, khỏi cần thìa sắt, thìa nhôm. Cách ăn này hay ở chỗ, cứ mỗi lần múc cháo cho vào miệng, thìa lại ngắn đi chút ít, mang cái cảm giác ngon và thú đến kinh ngạc…


Người Nghi Xuân mỗi khi đi thăm bà con xa, dù đó là người bình dân hay kẻ sang giàu, món quà quê họ mang theo cũng giản dị. Sang thì có chục mực khô, mấy cân cá luộc đặc sản Cửa Hội, ngon có tiếng, phơi khô; bình dân thì xếp bánh đa hay bọc kẹo cu-đơ.


Nhiều lần gặp những người Nghi Xuân ở xa quê, họ thường tâm đắc với tôi: “Thời kinh tế thị trường, bánh trái vô thiên lủng. Duy có “cái anh” bánh đa Nghi Xuân vì khác hẳn bánh đa các nơi nên còn “có giá” lắm, đặc biệt lắm. Bọn mình nhớ quê bao nhiêu lại nhớ cái kẹo cu-đơ, cái bánh đa Nghi Xuân quá. Mỗi khi có người ở quê đến mang theo ít bánh đa làm quà, là cả bọn, từ thằng có bạc tỷ đến anh xe ôm, tụm nhau lại ngồi nhâm nhi với cút rượu.


Trong cái mùi thơm, bùi, béo, ngọt của thứ gạo chiêm quê, của vừng quen thuộc, bọn mình như thấy cả tuổi thơ hiện về, như thấy quê nhà hiển hiện trước mắt…”. Đã không ít lần, những người Nghi Xuân làm ăn xa, khi gặp đồng hương, cứ cầm tay tôi lắc lắc:


- Lần sau lại đến với bọn mình, đừng quên mang theo bánh đa Nghi Xuân, nghe cậu!



Nguyễn Xuân Diệu