12:19 20/12/2014

Bản vùng cao hơn 5 năm sử dụng… nước của bãi rác

Đã nhiều năm nay, bà con nhân dân ở bản Nà Bỏ, Lai Châu đang từng ngày phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt có mùi vị khó chịu.

Đã nhiều năm nay, bà con nhân dân ở bản Nà Bỏ thuộc xã Bản Giang, huyện Tam Đường (Lai Châu) đang từng ngày phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt có mùi vị khó chịu.

Nguyên nhân là ngay sau “lưng” bản hơn 100 hộ dân này tồn tại một bãi rác của người dân thành phố Lai Châu thải ra. Nước rác của bãi ngấm vào lòng đất, luồn xuống các hố cát tơ và rỉ vào dòng chảy của khe nước duy nhất trong bản Nà Bỏ. Tất cả người dân trong bản đều cảm nhận thấy mức độ ô nhiễm đang trở nên báo động.

Bãi rác sau bản là nguyên nhân khiến khe nước Nà Bỏ bị ô nhiễm nặng.


* Hơn 5 năm ăn… nước thải của bãi rác

Bao đời nay, bà con nhân dân sinh ra và lớn lên trong bản Nà Bỏ đều chỉ biết đến một nguồn nước duy nhất là cái khe nước giữa bản. Khi đó, nguồn nước quanh năm trong vắt, mùa đông thì ấm áp, mùa hè lại mát lạnh.

Đến năm 2009 thì nghĩa trang Phan Lìn và bãi rác của thành phố (thuộc bản Phan Lìn, xã San Thàng, thành phố Lai Châu) đi vào hoạt động.

Anh Vàng Văn Tiết, một người dân trong bản khẳng định: “Từ khi cái bãi rác và nghĩa trang Phan Lìn đi vào hoạt động, cứ vào mùa mưa là nước trong khe của bản chúng tôi đục ngầu, vừa hôi vừa tanh, không thể ăn được. Lúc ấy nếu nhà nào hứng được nước mưa thì còn có nước ăn chứ không thì…!”.

Theo lời kể lại của người dân, mùa mưa đầu tiên, nước đục và hôi thối ở đâu cứ ùn ùn đẩy ra từ khe nước. Trong bản không ai hiểu chuyện gì.

Để tìm hiểu nguyên nhân, thanh niên lật ngược khe nước và vấn đề đã sáng tỏ ngay khi họ vượt qua ngọn núi đầu bản, đến bãi rác thành phố. Nhiều người không thể tin rằng, bãi rác nằm cách bản hẳn một quả núi, còn nguồn nước thì chảy ngầm trong lòng núi ra.

Người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho sinh hoạt hàng ngày.


Sau khi xem xét kỹ, bà con phát hiện ra những khe cát tơ lớn phía cuối bãi rác. Để chắc chắn có người đã mang cả bao tải chấu lên rắc ở khe nứt và y như rằng ở khe nước trong bản trấu cũng trôi ra ùn ùn. Vậy là bãi rác không có hệ thống thu gom nước thải, nước rỉ nên khi mưa đến những thứ nước uế tạp đó dồn cả vào những khe nứt hở, rồi chảy về khe nước bản Nà Bỏ.

Trưởng bản Vầy Văn Chứ khẳng định: “Không biết có phải do nguồn nước không nhưng mấy năm trở lại đây các bệnh như tiêu chảy, tả, bệnh về mắt, bệnh ngoài da trong bản đã tăng lên đáng kể. Các dịch bệnh này thường xuất hiện vào mùa hè, đó cũng là thời điểm khe nước đục nhất, hôi nhất trong năm vì chính là mùa mưa. Đối tượng mắc nhiều nhất là trẻ em có thể vì các cháu thích tắm, ngụp lặn ở khe nước”.

Ngoài con người,  ao cá sử dụng nước từ mó nước của bản những năm gần đây tỷ lệ cá chết cũng cao hơn nhiều. Bà con cho rằng cá bị sặc bùn do nước đục và bị nấm mà chết.

Anh Vàng Văn Tiết ngán ngẩm: Còn nguồn nước nào đâu mà chả ăn nước ở đó. Biết là hại, là bệnh nhưng bệnh cũng vẫn phải ăn chứ biết làm sao. Chúng tôi chỉ biết cố gắng ăn chín, uống sôi thôi chứ các loại hóa chất, rác thải thì chả biết làm thế nào…!

Mùa này, không có mưa, nước trong khe cũng không còn đục ngầu, bốc mùi như nước cống nhưng lúc nào cũng trông như canh hến. Những cặn bẩn lẫn trong nước bám vào các sợi tơ rêu tạo thành một lớp bùn mỏng phủ lên những khối đá.

Chị Lò Thị Chim đang giặt ở khe nước kể: “Bốn năm về làm dâu ở đây ngày nào tôi cũng phải ra đây giặt giũ nhưng chưa một lần tôi được dùng nước sạch. Mùa khô, không có mưa thì nước lờ đờ vẩn đục, mùa mưa thì nước đục ngầu và mùi rất khó chịu. Có lần tôi đi giặt còn thấy rất nhiều túi nilon rác trôi từ khe nước ra”.

Bởi là chỗ lấy nước duy nhất của bản nên cho dù biết ô nhiễm nhưng nhiều hộ dân vẫn phải trông vào nguồn nước này. Trưởng bản Vầy Văn Chứ tâm sự: “Sau khi có hiện tượng nước bị nhiễm bẩn, nhiều hộ dân trong bản cũng đã đầu tư đào giếng, hiện nay cả bản có 8 giếng nước nhưng chỉ có 4 giếng có nước quanh năm. Những giếng có nước quanh năm ấy cũng chỉ có khoảng vài mét nước, chỉ đủ cho một, hai hộ dùng, số hộ còn lại vẫn phải nhờ nước mưa và ăn nước ở khe nước đó. Dù bẩn, dù biết là nguy hiểm nhưng người dân vẫn chả còn lựa chọn nào khác, phải liều mà ăn thôi”.

* Sớm giải quyết bài toán ô nhiễm


5 năm qua, bà con dân tộc ở Nà Bỏ loay hoay với bài toán khó giải này. Việc kéo nước từ các khe nước khác về hầu như là không thể vì đây là nguồn nước gần nhất. Theo Bí thư Chi bộ bản, ông Nông Văn Đức thì chỉ cần làm đường ống dẫn đưa nước từ thành phố về.

Một số cơ quan, người có trách nhiệm của tỉnh, của huyện cũng đã xuống thị sát tình hình và đưa ra lời khuyên cho bà con rằng mỗi hộ nên trang bị một chiếc máy lọc nước. Tuy nhiên với các hộ dân nơi đây, giá một chiếc máy lọc nước khoảng trên dưới 3 triệu đồng là một khoản tiền không nhỏ nên hầu như chẳng có hộ nào mua.

Là khe nước duy nhất nên bà con không còn cách nào khác là sử dụng nước bị ô nhiễm để sinh hoạt .


Được biết, suốt từ năm 2009 đến nay, bà con nhân dân bản Nà Bỏ, xã Bản Giang đều phản ánh với chính quyền xã, huyện qua các buổi tiếp xúc cử tri về tình trạng nguồn nước sinh hoạt duy nhất của bản bị ô nhiễm do nhiễm nước rỉ từ bãi rác thành phố Lai Châu (thuộc bản Phan Lìn, xã San Thàng, thành phố Lai Châu).

Mới đây, ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đến thị sát bãi rác và kiểm tra nguồn nước của bản Nà Bỏ và quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu các biện pháp xử lý triệt để nước rỉ từ bãi rác, không để nước rỉ chảy ra gây ô nhiễm môi trường.

Cần lấy mẫu nước từ khe nước của bản Nà Bỏ để phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nước, tìm nguyên nhân và phương án xử lý. Nếu đến tháng 12/2015 mà nguồn nước không đảm bảo thì tỉnh Lai Châu sẽ tìm phương án bố trí nguồn nước khác cho người dân.

Vậy là chuyện phải “sống chung” với ô nhiễm từ bãi rác của bà con bản Nà Bỏ sẽ có cơ hội sớm kết thúc. Tuy nhiên, hiện gần 480 nhân khẩu trong bản vẫn đang thấp thỏm chờ đợi sự giải quyết nhanh chóng ấy để thôi phải chịu cảnh nước đục, nước hôi, thối của khe lấy nước duy nhất trong bản.


Tin, ảnh: Quang Duy
(TTXVN)