Tín hiệu tốt từ thị trường xuất khẩu lao động Malaixia

Malaixia là một “điểm đến” nhiều hứa hẹn cho lao động Việt Nam. Những ưu đãi cho lao động nước ta sang quốc gia này làm việc và các biện pháp phát triển thị trường này đang được quan tâm, đẩy mạnh.

Nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN) thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaixia đang có xu hướng phát triển tốt. Ông Nguyễn Tiến San, Trưởng ban Quản lý lao động (QLLĐ) Việt Nam tại Malaixia cho biết: Malaixia đang có nhu cầu tăng tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc.

Lao động Việt Nam tại Malaixia.


Với nhu cầu lớn, chi phí thấp, không đòi hỏi tay nghề cao, Malaixia đang là một trong những thị trường trọng điểm, phù hợp với lao động nước ta. Hiện có khoảng 87.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại gần 400 doanh nghiệp thuộc 11 bang khác nhau của Malaixia về các lĩnh vực: Điện, điện tử, may mặc, găng tay y tế, sản xuất đồ dân dụng, cơ khí, chế biến gỗ, xây dựng, dịch vụ nhà hàng, giúp việc gia đình… Năm 2010, đã có gần 12.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaixia. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 6.664 lao động nước ta sang Malaixia làm việc. Việt Nam là nước đứng thứ 6 về số lượng lao động đang làm việc tại Malaixia.

Lao động Việt Nam sang Malaixia có nhiều cơ hội việc làm thu nhập ổn định. Theo khảo sát của Ban QLLĐ và chuyên gia Việt Nam tại Malaixia, hầu hết các doanh nghiệp tiếp nhận lao động Việt Nam đều có đủ việc làm cho người lao động, đảm bảo thời gian làm thêm giờ từ 2 - 4 giờ/ngày. Thu nhập bình quân của lao động ta tại Malaixia từ 900 -1.100 RM/tháng (6,5 - 7 triệu đồng/tháng). Những lao động có kinh nghiệm làm việc, năng suất lao động cao thì thu nhập cao hơn, có thể từ 2.000-3.000RM/tháng (14 - 20 triệu đồng/tháng).

“Khoảng một nửa trong số trên 2.500 lao động các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động đang làm việc tại Malaixia đều có điều kiện việc làm bảo đảm, thu nhập khá, tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng/người/tháng”, ông Đào Công Hải- Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN cho biết.

Tăng cường quản lý, giám sát

Theo ông Nguyễn Tiến San, lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Malaixia đánh giá tốt về tính cần cù, chăm chỉ, nắm bắt công việc nhanh, chịu khó làm thêm giờ. Với khả năng học tiếng Malaixia rất nhanh, sau một năm làm việc, người lao động đã có thể cơ bản giao tiếp bằng tiếng nước sở tại. Đây là một lợi thế để chúng ta phát triển thị trường lao động tại nước này.

Để thúc đẩy việc đưa lao động sang Malaixia làm việc có hiệu quả, Ban QLLĐ và chuyên gia Việt Nam tại Malaixia đề xuất phải quan tâm, chú trọng tới công tác quản lý lao động tại Malaixia, tăng cường phối hợp với Ban Quản lý lao động và chuyên gia trong việc xử lý các vấn đề phát sinh. Các doanh nghiệp đưa lao động sang Malaixia làm việc cần lựa chọn các công ty môi giới và doanh nghiệp Malaixia kỹ lưỡng. Trước khi ký kết hợp đồng, nghiên cứu cẩn thận các điều kiện của hợp đồng để đảm bảo lợi ích và điều kiện làm việc, ăn ở cho người lao động. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Một biện pháp quan trọng nữa là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của ta cần phải chấn chỉnh và giám sát chặt chẽ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung và Malaixia nói riêng của các chi nhánh. Ông Nguyễn Tiến San cho rằng: “Nhà nước cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước như không thực hiện thẩm định hợp đồng tại Ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaixia và Cục QLLĐNN, không báo cáo số lượng lao động sang Malaixia làm việc theo quy định, cũng như không cử cán bộ đại diện tại Malaixia để quản lý lao động” (trên 100 lao động phải có một người quản lý).

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN