Phát triển hệ thống trường THPT chuyên theo hướng mở

Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 vừa được phê duyệt với kỳ vọng mở ra một con đường mới trong sự nghiệp tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển trao đổi về vấn đề này

Xin Thứ trưởng cho biết những mục tiêu, định hướng chính về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020?

Mục tiêu của đề án là: Xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực, có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Cụ thể, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một trường THPT chuyên với số học sinh chiếm 2% tổng số học sinh trên địa bàn. Năm 2015 có 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng ta phải đầu tư nguồn lực như thế nào?

Tổng kinh phí của Đề án là 2.312.758 tỷ đồng, trong đó có 1.295,417 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo, 953,65 tỷ đồng vốn vay ODA và 63,792 tỷ đồng ngân sách địa phương. Phần lớn số kinh phí này (1.660,722 tỷ đồng) được dùng để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Xây 664 phòng học, 365 phòng học bộ môn, 49 nhà tập đa năng, 73 thư viện, 55 nhà nội trú, 13 bể bơi... Đề án cũng dành 624,290 tỷ đồng để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý như: Đào tạo tại nước ngoài và trong nước trình độ thạc sĩ cho 700 giáo viên, về giảng dạy các môn toán, lí, hóa, sinh, tin học bằng tiếng Anh cho 1.300 giáo viên,... Số kinh phí còn lại: 27,746 tỷ đồng dùng để phát triển chương trình, tài liệu, đánh giá hiệu quả giáo dục.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng mô hình trường chuyên không phải là nơi đào tạo “gà nòi” mà là hình mẫu của các trường THPT khác, Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn về điều này?


Giờ học ngoại ngữ của học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu).

Đề án xác định mô hình trường THPT chuyên sẽ là một mô hình mở với hy vọng nó sẽ lan tỏa và góp phần thúc đẩy cả hệ thống giáo dục bậc THPT cùng phát triển. Tính chất “mở” của trường chuyên thứ nhất thể hiện ở định hướng phát triển. Nghĩa là, trường chuyên sẽ trở thành mẫu hình của các trường THPT; các tiêu chí của trường chuyên không chỉ dành riêng cho trường chuyên mà các trường khác tùy theo điều kiện của mình có thể áp dụng tới mức cao nhất có thể, làm cho ngày càng có nhiều học sinh có cơ hội được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất, theo cách thức tổ chức hoạt động giáo dục tiên tiến nhất.

Thứ hai, khung chương trình hoạt động giáo dục của trường chuyên và cả khung chương trình cho những môn năng khiếu để phát triển tài năng của học sinh theo từng lĩnh vực sẽ được xây dựng rất "mở", bởi vì trường chuyên là môi trường sáng tạo, mọi thành viên trong trường đều được khai thác năng lực sáng tạo để phát triển.

Với tinh thần này, sẽ không có sách giáo khoa cho trường chuyên mà sẽ tăng cường việc biên soạn, giới thiệu các tài liệu tham khảo trong và ngoài nước, đồng thời mỗi giáo viên cũng chủ động khai thác bằng nhiều con đường khác nhau. Đây là sự đánh giá cao với giáo viên trường chuyên và cũng là đòi hỏi đối với họ. Các sản phẩm trí tuệ của trường chuyên sẽ không phải là tài sản riêng của từng trường mà cần được trao đổi lẫn nhau thông qua website trường chuyên sẽ được thiết lập.

Bên cạnh đó hình thành một mạng lưới giáo viên cốt cán trường chuyên hoạt động trong môi trường mở. Như vậy, việc giáo viên trường này có thể đi dạy trường khác là chuyện bình thường và việc công khai các tư liệu tham khảo cũng là nhiệm vụ của các trường chuyên. Hệ thống trường chuyên nêu trong đề án là do ngân sách nhà nước đầu tư, nhưng mẫu hình trường chuyên thì không phải là sản phẩm độc quyền của Nhà nước.

Có ý kiến lo ngại rằng học sinh trường chuyên giành nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước, quốc tế nhưng nhiều em sau khi “đủ lông cánh” lại không về phục vụ Tổ quốc. Vậy đầu tư cho trường chuyên có phải là sự lãng phí không, thưa Thứ trưởng?

Có thể khẳng định suốt gần nửa thế kỷ qua, các trường THPT chuyên đã thực hiện được mục tiêu chính của mình. Thể hiện ở chỗ đa số các HS chuyên đều phát triển cả về kiến thức lẫn kỹ năng, cả môn chuyên cũng như các môn học khác và được phát triển năng khiếu riêng của mình. Các em có ý chí cao, có năng lực tự học. Nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học nhưng đã không nhận chính sách này mà vẫn đăng ký thi tuyển sinh đại học theo nguyện vọng của mình. Hầu hết các HS chuyên đều đỗ đại học với điểm cao, vào những trường “top”.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng có một số em chỉ là “gà nòi” thi học sinh giỏi, ít hiểu biết về xã hội và thiếu nhiều “kĩ năng mềm”.Rất nhiều em từ trường chuyên đã cất cánh bay cao, bay xa, khẳng định mình không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Một số người cũng lo ngại về chuyện “chảy máu chất xám”… Tôi cho rằng cần quan niệm đầy đủ về việc phụng sự. Đa số du học sinh của ta sau khi học xong vẫn trở về phục vụ quê hương, đất nước mình. Một số em có thể phát triển tài năng của mình ở nước ngoài nhưng không hẳn là sai mục tiêu. Miễn làm sao có đóng góp hiệu quả, với một tâm nguyện luôn hướng về dân tộc mình, đất nước mình với lòng tri ân sâu nặng. Rất nhiều Việt kiều đang có đóng góp lớn và rất hiệu quả cho đất nước, dù họ không sống ở quê hương mình.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN