Nhà trường liên kết với doanh nghiệp

Một nghịch lý đang tồn tại: Sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo. Nguyên nhân là việc đào tạo trong nhà trường vẫn chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường thiếu nhiều kỹ năng mềm... Để giải quyết bài toán này, nhà trường và doanh nghiệp “bắt tay” nhau trong việc đào tạo.

 

Bổ trợ kỹ thuật tiên tiến


Có thể nói, hiện nhiều trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) không đủ điều kiện để đầu tư về trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy. Bởi vậy, sinh viên khi ra trường thường yếu về kỹ năng thực hành và vận hành các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong các doanh nghiệp. Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, đa số công nghệ thực hành tại các trường hiện nay đều lạc hậu hơn nhiều so với các doanh nghiệp. Do đó, nhà trường muốn dẫn đầu về công nghệ thì phải liên kết với các doanh nghiệp. Việc liên kết này sẽ giúp nhà trường sử dụng được các thiết bị sản xuất hiện đại, những thiết bị đắt tiền mà nhà trường không thể có để học sinh thực hành; đồng thời đội ngũ giáo viên cũng được tiếp cận với công nghệ và phương tiện sản xuất hiện đại... “Nhận thấy được tầm quan trọng này, trong những năm qua nhà trường luôn đặt sự gắn kết với các doanh nghiệp lên hàng đầu”, ông Dũng cho biết.

 

Việc liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường sẽ giúp doanh nghiệp có đội ngũ lao động chất lượng cao.


Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nhờ có sự gắn kết chặt chẽ, nhiều công ty đã hỗ trợ trang thiết bị cho nhà trường. Chẳng hạn, Công ty Toyota Việt Nam đã hỗ trợ xưởng thực hành với đầy đủ trang thiết bị, phụ tùng cơ khí ô tô để sinh viên làm quen với máy móc, sửa chữa, lắp ráp phụ tùng ô tô... Trong khi đó, nhiều công ty khác đã đặt phòng thí nghiệm tại trường với trang thiết bị hiện đại.


Còn trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã có 120 xưởng thực hành được trang bị hiện đại và trên 400 phòng thí nghiệm các loại, trong đó đã có sự đầu tư không nhỏ của các doanh nghiệp. PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Hiện nay nhà trường đang tăng cường mối liên hệ hợp tác với các doanh nghiệp. Việc liên kết này không chỉ giúp sinh viên của trường có được chỗ thực tập mà nhà trường còn được doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị máy móc từ các hãng như Mitsubishi, Intel… Không những thế, doanh nghiệp còn giúp nhà trường đào tạo giảng viên và tổ chức các khóa tập huấn về cán bộ quản lý. Mới đây nhất, nhà trường nhận thêm một phòng thực hành của tập đoàn LG”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Trực, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, thông qua sự đầu tư của doanh nghiệp và nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên, hiện khoa Tài chính - ngân hàng cũng đã xây dựng một ngân hàng mô phỏng, với thiết kế hoạt động giống như một ngân hàng thật. Qua đó, sinh viên được thực hành về các kỹ năng: giao dịch, thanh toán quốc tế, các thao tác quản lý...


Giải quyết đầu ra


Gắn kết với doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở vấn đề tìm chỗ thực hành cho sinh viên hay xin học bổng, đa số các trường hiện nay đang hướng tới việc giúp sinh viên có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ông Nguyễn Trung Trực cho biết, hiện khoa đã liên kết và hợp tác với 9 doanh nghiệp, khoảng 6 ngân hàng. Thông qua sự liên kết này, sinh viên không chỉ có được chỗ thực tập, tìm được việc làm thêm từ các ngân hàng trong quá trình học tập mà còn có cơ hội làm việc sau khi ra trường. Mỗi đợt tốt nghiệp, đều có ngân hàng đến tuyển dụng hoặc khi ngân hàng, doanh nghiệp muốn tuyển dụng đều liên hệ với khoa và trực tiếp tuyển dụng tại trường. Rất nhiều sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay.

 

Ngân hàng ANZ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh.


Đại diện trường ĐH Nguyễn Tất Thành, một trong những trường có mô hình liên kết doanh nghiệp được đánh giá là điển hình nhất hiện nay, cho biết nhà trường luôn tuân thủ sâu sắc theo tôn chỉ giáo dục và cũng là triết lý đào tạo của nhà trường: “Thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp” và việc học tập phải đảm bảo được các lợi ích: “Lợi ích của người học, của nhà trường, gia đình và xã hội”. Từ đó, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm rất cao. Hiện nhà trường có mô hình câu lạc bộ doanh nghiệp với hơn 100 doanh nghiệp thành viên, là nơi để nhà trường, doanh nghiệp, giảng viên và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi, hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo. Các doanh nghiệp này cũng là cơ sở để sinh viên thực hành, thực tập ngay trong môi trường thực tế. Hằng năm, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội chợ việc làm, tạo điều kiện cho sinh viên đang theo học tại trường có cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập, qua đó giúp các em có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề và năng lực của bản thân.


Trong khi đó, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp, hàng năm có khoảng 90% sinh viên khối ngành kỹ thuật của trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường còn đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hàng năm, doanh nghiệp về trường tổ chức ngày hội việc làm, giới thiệu về công ty, nhu cầu tuyển dụng của công ty... Hiện trường liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản, sau khi ra trường sinh viên có thể được xuất khẩu lao động sang Nhật. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn liên kết với nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng mềm, rèn luyện tay nghề ngay từ khi ở giảng đường.


Cùng có lợi


Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, đánh giá: “Trong công tác đào tạo cần có sự tham gia của các doanh nghiệp. Nhà trường và doanh nghiệp phải bắt tay tương hỗ lẫn nhau. Doanh nghiệp tạo điều kiện để sinh viên đến thực tập, thực hành nghề, nhà trường đào tạo nghề doanh nghiệp cần thay vì đào tạo nghề mình có. Muốn có sản phẩm nhân lực đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng, doanh nghiệp phải chủ động đặt hàng nhà trường với những thông số cụ thể như: ngành nghề, số lượng, trình độ, kỹ năng tính cách, tác phong...”. Cũng theo ông Tuấn, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ mô hình này: Doanh nghiệp có cơ hội theo dõi và tuyển chọn được những sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu của mình, doanh nghiệp không phải tốn nhiều thời gian để đào tạo lại...


Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cần phải toàn diện và dựa trên lợi ích của cả hai. Các doanh nghiệp xây dựng các xưởng thực hành, hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường không những giúp sinh viên có cơ hội thực tập tốt mà chính công ty cũng thuận lợi hơn khi mở các lớp huấn luyện kỹ năng tay nghề cho nhân viên hàng năm. Việc này sẽ giúp chuẩn hóa đội ngũ lao động, theo sát yêu cầu sản xuất thực tế. Doanh nghiệp không chỉ có một nguồn nhân lực chất lượng để tuyển dụng mà còn có thể đặt hàng nhà trường làm những đề tài nghiên cứu khoa học về những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Từ đó, doanh nghiệp có thể áp dụng những nghiên cứu vào thực tế để giải quyết những khó khăn của mình.


Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Minh cũng cho rằng thông qua việc đánh giá của các doanh nghiệp, nhà trường sẽ có phương thức đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ góp phần vào kiểm định chất lượng đào tạo của nhà trường. Từ đó, khi tuyển dụng doanh nghiệp sẽ không mất thời gian, chi phí đào tạo lại; đồng thời đây cũng là một trong những hình thức quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp.


Bài và ảnh: Đan Phương

Dạy nghề phù hợp với nhu cầu
Dạy nghề phù hợp với nhu cầu

Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer đông nhất cả nước, với trên 400.000 người, chiếm gần 31% dân số của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN