Vang vọng cồng chiêng đại ngàn

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, âm hưởng cồng chiêng đi suốt đời người. Tiếng cồng chiêng như sức sống mãnh liệt của người Tây Nguyên giữa đại ngàn nắng, gió.

"Đánh cho con khỉ quên bám chặt cành cây
Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho rắn nằm dài

Cho hươu, nai đứng nghe quên ăn cỏ...".


Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là đồng bào các dân tộc: Ba Na, Xơ Đăng, M’Nông, Cơ Ho, Rơ Măm, Ê Đê, Gia Rai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Tiếng cồng chiêng ngân nga sâu lắng, trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng đất trời và con người Tây Nguyên.

Tiếng cồng chiêng ngân lên, mọi người cùng nắm tay nhau nhảy múa vui hội.

Nhà nghiên cứu dân gian Chu Lân cho biết: Cồng là loại có núm, chiêng không có núm. Quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có.

Đã có thời một chiếc chiêng giá trị bằng hai con voi hoặc 20 con trâu. Vào ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.

Trong nghi lễ, ngày hội, tiếng cồng chiêng luôn âm vang như linh hồn của người dân Tây Nguyên.

Mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng của cồng chiêng và có thể được dùng đơn lẻ, hoặc dùng theo dàn, theo bộ. Dàn cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc, diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào năm 2015. Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ.

Các “thủ chiêng” thi đấu tranh tài trong dịp lễ hội.

Hiện nay, hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè. Chính quyền địa phương, các già làng, nghệ nhân đã làm tốt công tác truyền dạy cho lớp trẻ hiểu và biết đánh cồng chiêng. Các cuộc thi, liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cấp huyện, tỉnh và vùng, nghệ nhân được học hỏi, giao lưu, đoàn kết và kế thừa những nét đẹp truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Bài và ảnh: Việt Hoàng
Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017
Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017

Tối ngày 11/3, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), diễn ra Liên hoan văn hóa Cồng chiêng năm 2017 với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập”. Các nghệ nhân đến từ buôn, làng Tây Nguyên, đã mang tới đêm hội những giai điệu cồng chiêng trầm hùng giữa đại ngàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN