Tượng Naga và tượng Neak trong chùa Khmer

Đến chùa Khmer, chúng ta dễ nhận thấy nhiều tượng được tạo tác gắn với rắn và rồng.


1. Tượng Naga

Ở chùa Khmer có nhiều tượng điêu khắc rắn Nagaraja. Rắn ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đạo Phật. Rắn Nagaraja được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, cột cờ, hay trên những chiếc tủ đựng kinh sách, trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn. Hình tượng rắn được thể hiện gần giống như rắn hổ đất với cái "bàn nạo" phình ra rất to. Có nơi điêu khắc rắn chín, bảy hoặc năm đầu. Theo các nhà sư Khmer thì rắn thần Nagaraja có nguồn gốc từ truyền thuyết của đạo Bà La Môn.

Nagaraja hầu Phật Tổ.

Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ rắn hổ mang, loài rắn mà nộc độc của nó có thể giết chết một con voi trưởng thành. Loài rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Civa (đấng phá hoại) vì chúng bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh.

Thần Nagaraja cốt là rắn 7 đầu hoặc 9 đầu, người Khmer Tây Nam Bộ gọi đó là Nék Crít (vua rồng - Long vương). Truyền thuyết Khmer kể rằng có một người Bà La Môn tên là Kaudinya, đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia đến vùng đất của người Khmer, chiến thắng một nữ vương hay một nàng công chúa có tên là Soma hoặc Nagini con của vua rắn Naga, rồi lấy người phụ nữ này làm vợ và sinh ra dòng dõi các vị vua Khmer.

Người Khmer tin rằng chính Kaudinya đã truyền cho họ những bí quyết về nghề trồng lúa và công việc thủy lợi. Còn các vị vua Khmer sau này thì được tin là đã giao phối với một Nagini xinh đẹp để duy trì dòng dõi hoàng gia.

Trong Bà La Môn giáo, rắn Naga không những là vị thần Mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi Niết Bàn (Nivarna).

Dưới bất kì hình thức nghệ thuật nào, trong văn hóa dân gian Khmer, thì rắn Naga nguyên thủy của nó vẫn là biểu tượng của nguồn nước và những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người,…

2. Tượng Neak

Theo tiếng Khmer rồng được gọi là Neak. Đây là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Phật giáo Khmer. Hình tượng rồng rất gần gũi với sự tích của đức Phật và cũng là biểu trưng của mưa thuận gió hòa.

Nagaraja ở cột cờ.

Rồng Khmer có nhiều tên gọi khác nhau.

Rồng một đầu: Là loài rồng được hình thành từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và chỉ sống ở cõi tiên, thường được đặt trên nóc chánh điện, saladaha, nhà thiêu,…

Rồng một đầu chính là rồng Sê-să, một biểu tượng của “sự còn lại” của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ sau khi đã bị hủy diệt. Đó cũng là biểu tượng của chiến thắng, của hạnh phúc. Trong quan niệm dân gian, thì người Khmer cho rằng rồng một đầu chính là biểu tượng cho tổ mẫu của dân tộc mình.

Rồng ba đầu: Neak Kol-lă-pă, được sinh ra ở khoảng giữa của cõi Thiên và cõi Người (trần gian). Rồng này sống ở đáy biển. Đối với người Khmer, thì rồng ba đầu là sự tượng trưng cho Tam Bảo của nhà Phật (Phật, Pháp, Tăng). Đầu ở giữa tượng trưng cho Phật Thích Ca, bên phải đại diện cho Pháp và bên trái tượng trưng cho Tăng. Trong dân gian người Khmer còn coi rồng ba đầu là biểu tượng của sự ràng buộc trong mối quan hệ chồng, vợ và con cái.

Rồng năm đầu: Neak Ă-non-tă, tương tự như rồng một đầu, được sinh ra từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và cũng chỉ sống ở cõi tiên. Người Khmer quan niệm rồng năm đầu tượng trưng cho năm vị Phật trong thế gian. Nó còn là biểu tượng của Ngũ giới (không trộm cắp, không sát sanh, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu), hoặc là biểu tượng của thân, xúc, tuệ, vật chất và tâm.

Rồng bảy đầu: Thường có tên gọi là Neak Meach-chă-linh. Ra đời từ đáy giếng Hê-ranh-nhes, là loài luôn đem lại nguồn sống hạnh phúc cho con người, che chở con người khỏi bị ngập úng trong biển nước khi bị lũ lụt. Chính loài Neak Mach-chă-linh này đã cuộn mình thành bệ ngồi và dùng đầu làm thành “chiếc ô” che cho đức Phật khi Ngài tọa thiền. Vì thế rồng bảy đầu được coi như một hộ pháp đắc lực của đức Phật Thích-ca Mâu Ni. Để ghi nhớ, người Khmer đã lấy tên của nó để đặt tên cho bảy ngày trong tuần, là: A-tít (mặt trời) tương ứng Chủ Nhật, Chăn (Mặt trăng) tương ứng Thứ Hai, Ang-kea (Sao Hỏa) Thứ Ba, Púth (Sao Thủy) Thứ Tư, Prô-hos (Sao Mộc) Thứ Năm, Sóc (Sao Kim) Thứ Sáu và Său (Sao Thổ) Thứ Bảy.

Đó cũng là sự tượng trưng cho bảy vị thần cai quản bảy đại dương, bảy núi ngọc lớn trong vũ trụ.

Rồng chín đầu: Neak Va-so-ky, là loài rồng của cõi trên, của thần linh. Là biểu tượng của quyền năng, sức mạnh thiêng và sự trường tồn của vũ trụ, là sự tượng trưng cho thế giới cực lạc. Đó là sức mạnh của tia chớp ở hướng Đông, sức mạnh của những điệu múa thiêng ở hướng Tây, quyền năng tối thượng của Luật trời ở hướng Nam, sức mạnh của cải vật chất và cái đẹp ở hướng Bắc, sức mạnh của lửa ở hướng Đông Nam, sức mạnh của sự hủy diệt bởi lửa (sự đốt cháy, thiêu rụi mọi vật) ở hướng Đông Bắc, quyền lực của thế giới ma quỷ ở hướng Tây Nam, sức mạnh của gió ở hướng Tây Bắc và một thứ sức mạnh, quyền lực của đấng cai quản, bảo vệ muôn loài ở hướng trung tâm.

Rồng có số đầu chẵn rất ít được sử dụng, vì đó là tạo tác của Visnu, là biểu tượng của sự sống và cái chết.

Nagaraja ở hàng rào.

Trong mọi công trình kiến trúc chùa Khmer nói riêng, nghệ thuật tạo hình nói chung đều xuất hiện hình tượng rồng. Phần lớn rồng thường xuất hiện trên các bờ nóc, vách tường, cột. Rồng cũng là biểu tượng cho Phật, nên đem rồng đặt lên nóc Chánh điện (đất Phật) hoặc các công trình khác trong chùa chiền cũng đồng nghĩa với việc người Khmer mong rằng đạo Phật sẽ trường tồn mãi mãi ở vùng đất của mình. Riêng những con rồng được trang trí tại các dãy lan can ở bậc cầu thang lên xuống hoặc các tay cầm trên những chiếc cầu hoặc dọc các trục đường vừa có ý nghĩa bảo vệ, vừa là cầu nối giúp cho con người tới được cõi trời, cõi hạnh phúc, là niềm mong ước chung của nhiều người Khmer.
Minh Thương
Hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo
Hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo

Với nỗ lực nâng cao đời sống đồng bào Khmer, cũng như thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, xã Vị Thủy (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã vận động hỗ trợ hộ nghèo Khmer những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phù hợp với đời sống người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN