“Tăng tốc” cho tuyến kênh Chợ Gạo

Sau thời gian dài thiếu vốn, dự án nâng cấp giai đoạn 1 tuyến kênh huyết mạch Chợ Gạo bắt đầu triển khai từ tháng 1/2014. Theo cam kết của nhà thầu chính, dự án sẽ hoàn thành vào ngày 3/2/2015, vượt tiến độ 3 tháng. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, bởi đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch vận chuyển hàng hóa qua lại giữa ĐBSCL và TP.HCM.


 

Thi công ngày đêm


Ông Trần Văn Chung, Chỉ huy trưởng công trình công ty TNHH MTV 319.2 (Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng) cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành dự án này. Trên công trường những ngày này lúc nào cũng có 40 kỹ sư và 400 công nhân làm việc liên tục bất kể ngày đêm. Thời điểm này, nhà thầu đang triển khai công tác nạo vét, thi công bờ kè và đường dân sinh. “Để bảo đảm vượt tiến độ, chúng tôi đã triển khai 8 mũi thi công thay vì chỉ 2 mũi thi công như dự kiến ban đầu”, ông Chung cho biết.

 

Công nhân tập trung thi công để bảo đảm hoàn thành dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 trước tiến độ.


Giai đoạn 1 của dự án có các hạng mục chính như khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, nạo vét luồng, kè, thảm đá đoạn Chợ Gạo và đường dân sinh... Đến nay, đơn vị đã nạo vét được 124.000 m3 (đạt 35%), kè đá trên bờ bắc kênh Chợ Gạo được 2,6 km (đạt 41%), đường dân sinh cũng đã hoàn tất thi công 2 km/6 km... “Sau buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vào cuối tháng 7, chúng tôi cam kết bảo đảm vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình đúng theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Vừa qua, đoàn kiểm tra môi trường cũng đánh giá tốt việc bảo đảm môi trường của dự án đang triển khai. Chúng tôi cũng tập trung công tác điều phối giao thông trong quá trình thi công, không để sự cố xảy ra và bảo đảm an toàn giao thông thủy. Tuy nhiên, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho giai đoạn 1 của dự án vẫn còn vướng khoảng 10 hộ dân, điều này ảnh hưởng đến tốc độ thi công dự án”, ông Chung cho biết thêm.


Không thể chậm trễ


Kênh Chợ Gạo có chiều dài 28,6 km chạy qua địa bàn 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch để vận chuyển hàng hóa, nông sản từ vùng ĐBSCL về TP.HCM và ngược lại. Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, 5 năm trở lại đây, giao thông thủy trên tuyến kênh Chợ Gạo phát triển đột biến về lưu lượng và tải trọng. Mỗi ngày có khoảng 1.400 lượt phương tiện tải trọng từ 200 - 1.000 DWT lưu thông. Đặc biệt, những ngày cao điểm lên đến khoảng 1.800 lượt phương tiện. Lưu lượng tàu thuyền quá lớn đã khiến tuyến này sạt lở bờ ngày càng nghiêm trọng. Chính vì thế, từ năm 2009, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án nâng cấp kênh này. Theo thiết kế, kênh Chợ Gạo sau khi được nâng cấp có độ rộng thông thuyền 55 m, dài 27 km với tổng mức đầu tư là 2.264 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.


Ông Lê Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, cho biết: “Năm 2013 dự án được khởi động lại, dân rất phấn khởi. Trước đây bà con rất bức xúc vì chậm đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến nhà cửa hư hỏng vẫn không được xây cất; cây trái hoa màu, chăn nuôi cũng không dám đầu tư. Đặc biệt, có 3 hãng sản xuất nước mắm lớn của huyện nằm trong dự án cũng không dám nhập nguyên liệu để sản xuất…”.


Trong khi đó, nhiều người dân sinh sống bên bờ Nam của kênh Chợ Gạo thuộc giai đoạn 2 của dự án hiện vẫn đang phải sống trong nỗi lo do tình hình sạt lở và rất mong muốn có vốn để di dời sớm. Ghi nhận tình hình thực tế tại bờ Nam, nhiều đoạn huyện lộ cặp sát kênh Chợ Gạo đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn sạt mất đường và thậm chí có đoạn lở sâu vào đất của dân. Ông Huỳnh Văn Tiếu ở ấp Bình Phương Một, huyện Bình Phục Nhứt, cho biết trước đây gia đình ông có 2.000m2 đất, nhưng do sạt lở nên chỉ còn khoảng 600 m2. Căn nhà chính của gia đình phải tháo dỡ và hiện đang sống trong nhà tạm chờ tiền đền bù di dời.

 

“Hiện nay huyện lộ đi qua thị trấn, xã Bình Phan, xã Bình Phục Nhứt… có đoạn lở sâu vào từ 5 -15 mét, coi như mất huyện lộ. Đây cũng là tuyến duy nhất để người dân đi lại, lưu thông hàng hóa, học sinh đến trường. Năm 2011 đã có trường hợp tử vong và nhiều trường hợp bị thương do sạt lở cặp tuyến kênh Chợ Gạo”, ông Mỹ cho biết.


Để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện Chợ Gạo đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ cùng với ngân sách huyện vận động dân mở đường đi tạm. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND các xã mà dự án ảnh hưởng trong giai đoạn 2 tiến hành kiểm tra, rà soát để đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ di dời nhằm bảo đảm tính mạng, an toàn cho người dân. “Để giải quyết khó khăn trong vùng dự án giai đoạn 2, tôi kiến nghị các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là bộ GTVT nên sớm bố trí vốn để giải tỏa cho 800 hộ còn lại của giai đoạn 2. Chỉ cần giải tỏa thôi, còn việc nạo vét, kè thì có vốn đến đâu làm đến đó cũng được.

 

Tôi cũng kiến nghị: Theo quy định thực hiện các dự án như vậy phải xây dựng khu tái định cư trước, nhưng hiện nay chưa thấy có vốn để làm khu tái định cư dự án. Ngay cả khu hành chính của UBND huyện và chợ Bình Phục Nhứt cũng bị giải tỏa và tuy đã quy hoạch khu đất khác nhưng cũng chưa có vốn để giải phóng mặt bằng để tiến hành thi công”, ông Mỹ cho biết.

 

Bài và ảnh: A.Đ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN