Sân trường vang tiếng cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, trở thành niềm tự hào không chỉ của đồng bào Tây Nguyên mà của người dân Việt Nam nói chung.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa, ngành giáo dục thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, đã đưa cồng chiêng, múa xoang vào truyền dạy trong những giờ ngoại khóa và giờ đây sau một thời gian triển khai, duy trì có hiệu quả, tại nhiều nơi, sân trường đã vang tiếng cồng chiêng.

Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh luyện tập cồng chiêng trong giờ ngoại khóa.

Giờ ngoại khóa sáng thứ 6 của trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, thành phố Kon Tum rộn ràng khi toàn thể học sinh nhà trường xếp thành hai vòng tròn lớn cổ vũ cho đội chiêng, xoang đang nhịp nhàng, uyển chuyển theo những bản nhạc truyền thống của dân tộc Ba Na.

Thầy Hoàng Văn Ba, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đều đặn tổ chức truyền dạy cồng chiêng cho học sinh vào 15 phút đầu giờ ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần và các buổi ngoại khóa.

Nghệ nhân trong làng và các thầy cô giáo người dân tộc thiểu số trong trường chính là những giáo viên nhiệt tình trong việc truyền dạy cho lớp trẻ, còn cồng chiêng được người có uy tín trong làng cho mượn.

Việc kết hợp truyền dạy cồng chiêng giữa nhà trường và nghệ nhân, bà con trong làng, đã hình thành những đội cồng chiêng nhí góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc.

Với những cố gắng của thầy và trò, trong đợt tham gia Liên hoan cồng chiêng - múa xoang, trình diễn trang phục dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2017 do ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum tổ chức, trường Tiểu học Triệu Thị Trinh đoạt giải A trình diễn cồng chiêng, Đội xoang duyên dáng nhất, học sinh tiểu học biểu diễn xuất sắc, trang phục dân tộc đẹp nhất.

Đưa cồng chiêng, múa xoang vào truyền dạy trong nhà trường từ năm 2013, đến nay trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư đã có 10 đội chiêng - xoang hoạt động thường xuyên tại nhà Rông làng Kon Rơ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum.

Học sinh trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư luyện tập cồng chiêng, múa xoang sau tiết chào cờ đầu tuần.

A Đẹp, nghệ nhân truyền dạy múa xoang, làng Kon Rơ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum phấn khởi: Tôi rất vui khi các em học sinh chăm chỉ tập luyện. Tôi mong muốn các em bảo tồn và phát huy được bản sắc dân tộc Ba Na.

Nghệ nhân chỉnh chiêng A Wer, làng Kon Rơ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, đã hơn 80 tuổi rồi nhưng vẫn cố gắng dạy các em biết đánh cồng chiêng để giữ gìn bản sắc dân tộc.

Nhờ uy tín và tâm huyết của các giáo viên trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư cùng nghệ nhân trong làng Kon Rơ Bàng, trường đã tổ chức được 10 đội cồng chiêng ở 5 khối lớp, với 6 bài cồng chiêng truyền thống và 4 bài cồng chiêng. Đây cũng là trường có nhiều đội cồng chiêng nhất và đã đạt nhiều giải trong những lần dự thi diễn tấu cồng chiêng của tỉnh Kon Tum.

Ông Thái Khắc Hòa, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum cho biết: Ngành giáo dục thành phố Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các trường có học sinh dân tộc thiểu số, tổ chức truyền dạy văn hóa cồng chiêng trong các tiết học ngoại khóa và trong chương trình giáo dục địa phương.

Ngoài ra, thành phố duy trì tổ chức liên hoan cồng chiêng - múa xoang cho học sinh tiểu học và trung học phổ thông trên địa bàn, định kỳ 2 năm một lần, để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Gần 1.000 học sinh tham gia Liên hoan cồng chiêng, múa xoang và thi trang phục dân tộc
Gần 1.000 học sinh tham gia Liên hoan cồng chiêng, múa xoang và thi trang phục dân tộc

Ngày 1/4, tại Nhà rông văn hóa Kon Klor, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum (Kon Tum) đã tổ chức Liên hoan cồng chiêng, múa xoang và Thi trang phục dân tộc lần thứ 4 khối học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN