Quýt hồng - cây làm giàu ở Lai Vung

Nằm bên bờ sông Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có nguồn nước ngọt dồi dào cùng loại đất mỡ gà thích hợp cho cây quít hồng. Cây quýt hồng được trồng ở đây cho hương vị tuyệt hảo mà không nơi nào trong vùng ĐBSCL sánh được và không chỉ trở thành “thương hiệu” của Lai Vung mà còn được mệnh danh là cây làm giàu.


Thu hoạch quýt hồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp).

 

Quýt hồng có mặt ở vùng đất này hàng trăm năm, nhưng phát triển mạnh nhất từ năm 1990 cho tới nay với diện tích toàn vùng hơn 1.100 ha, tập trung ở các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và Vĩnh Thới, cung cấp cho thị trường hàng năm hơn 40.000 tấn. Quýt hồng cho năng suất bình quân từ 30-40 tấn trái/ha cùng mức lãi từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Chính vì vậy, hầu hết nhà vườn trồng quýt hồng ở Lai Vung ngày càng có cuộc sống sung túc với nhiều ngôi nhà khang trang. Bởi vậy, thật không ngoa khi có người nói rằng, giờ đây cây quýt hồng đã trở thành cây làm giàu cho cả vùng đất Lai Vung.


Với diện tích 2.000 m2 đất trồng quýt hồng, anh Phạm Hồng Xê ở xã Tân Phước (huyện Lai Vung) đã “kiếm” được hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Anh là người đầu tiên đại diện cho người trồng quýt trong vùng đem quả quýt hồng - đặc sản truyền thống của quê hương Lai Vung, ra giới thiệu với công chúng. Dù lần đầu tiên, nhưng quả quýt hồng Lai Vung đã “thuyết phục” được ban giám khảo và xuất sắc đoạt Huy chương Vàng tại hội thi trái ngon và an toàn thực phẩm đấu xảo lần thứ 9 tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào năm 2003. Theo anh Xê, sở dĩ quýt hồng của anh liên tiếp đạt những giải thưởng cao bởi có hai chỉ số đạt điểm cao nhất là độ đường cao và hạt thấp. Bên cạnh đó, trái quýt của anh lại mỏng vỏ, trọng lượng 5 trái/kg, màu hồng mơn mởn, quả căng tròn và có vị ngọt thanh... Liên tiếp những năm sau đó, quýt hồng Lai Vung đã giành được nhiều giải thưởng tại các kì đấu xảo trái ngon ở khu vực.


Còn anh Lê Ngọc Bích trong tháng 4 vừa qua đã thu về hơn 1 tỷ đồng lãi từ 6.000 m2 trồng cây quýt hồng. Anh Bích được xem là người tiên phong trong vùng đã cho cây quýt hồng ra trái mùa nghịch. Vườn quýt hồng của anh được phân chia thành liếp thẳng tắp, mỗi liếp chia thành hai hàng trồng quýt vừa tiện chăm sóc vừa dễ thực hiện cho ra trái nghịch mùa. Theo anh Bích, nhờ sử dụng phương pháp IPM, theo dõi thời tiết, điều tiết phân bón và sử dụng biện pháp màng phủ nông nghiệp trên toàn bộ gốc quít, cộng với kỹ thuật, nên có thể “điều khiển” cây quýt hồng ra trái nghịch mùa quanh năm. Năm nay, anh đã cho ra trái và thu hoạch 3 kỳ vào dịp Tết, cuối tháng tư vừa qua và một số diện tích sẽ cho trái vào dịp rằm tháng 7 âm lịch tới.


Không chỉ làm giàu từ trái quýt hồng, những năm gần đây, nhà vườn ở Lai Vung còn tạo ra những sản phẩm lạ mắt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sau sáu năm xuất hiện trên thị trường, những chậu quýt kiểng đang rất được ưa chuộng. Sau khi lựa chọn được những cành quýt ưng ý, nhà vườn bắt đầu ươm và chăm sóc trong vòng 23 tháng rồi đưa lên chậu. Ông Lưu Văn Ràng (xã Vĩnh Thới) - nhà vườn đầu tiên của huyện thành công với mô hình trồng quýt trên chậu, cho biết để trồng được một cây quýt kiểng có chiều cao từ 0,8 - 1,4 m bán Tết, nhà vườn phải bỏ công chăm sóc cực nhọc gấp nhiều lần so với quýt thường. Khó khăn nhất là khi cho cây vào chậu, quýt dễ bị chết, vì vậy đòi hỏi phải có sự đầu tư chu đáo về cây giống, kỹ thuật trồng. Tính riêng trong dịp Tết hằng năm, với 200 m2 đất, ông Ràng trồng được 74 chậu quýt kiểng. Với giá bán mỗi chậu quýt bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông có lãi khoảng 120 triệu đồng.


Để tiến tới sản xuất quýt hồng “sạch” cung cấp cho thị trường, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung tổ chức các lớp tập huấn xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ quýt hồng Lai Vung theo hướng VietGap. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng nhà sơ chế quýt, phục vụ khâu vệ sinh quýt sau khi thu hoạch trước khi được đóng gói đưa đi tiêu thụ. Hiện địa phương đang có kế hoạch mở rộng hỗ trợ nhà vườn áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP; đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm phát triển bền vững cây quýt. Trước đó, tháng 1/2012, qua nhiều giai đoạn kiểm tra, phân tích, kiểm tra các chỉ tiêu cảm quan, chỉ tiêu hóa, lý của sản phẩm quýt hồng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho quýt hồng Lai Vung. Và đầu năm 2014 này, huyện Lai Vung đã nâng tầm thương hiệu bằng việc thành lập HTX Quít Hồng.

 

“Chứng nhận VietGap và nhãn hiệu độc quyền quýt hồng Lai Vung đã trở thành lợi thế cho cây quýt của huyện nên giá cả năm nay tăng khá, người tiêu dùng khắp nơi biết đến. Đặc biệt, nhiều thương lái lớn ở TP Hồ Chí Minh đến đặt hàng rất nhiều. Những tín hiệu vui này, góp phần đưa cây quýt hồng Lai Vung càng thêm nổi tiếng hơn”, bà Trương Thị Nên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết.


Bài và ảnh: Nguyễn Văn Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN