Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật sân khấu Rô Băm

Theo thời gian, một số loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có nguy cơ mai một, cần được bảo tồn và lưu truyền cho thế hệ sau, trong đó có nghệ thuật sân khấu Rô Băm.

Nghệ thuật sân khấu Rô Băm hay còn gọi “Rom Rô Băm”, hát rằm hay hát Ream kê, là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa (có thể liên tưởng Rô Băm của người Khmer với nghệ thuật hát Tiều của người Hoa, hát Bội của người Việt). Rô Băm là loại hình nghệ thuật đỉnh cao của hình thức diễn xướng cổ nhất mà người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng còn lưu truyền đến ngày nay.

Trình diễn múa Rô Băm tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Sân khấu Rô Băm dùng ngôn ngữ múa để diễn tả chuyện xưa tích cũ, xoay quanh các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, khai thác từ đề tài Phật giáo, đạo giáo Bàlamôn, quen thuộc nhất là sử thi Ramayana của Ấn Độ. Có thể nói, hệ thống những triết lý giáo dục và đạo lý làm người của đồng bào Khmer xưa đều gói gọn trong nội dung và hình thức của loại hình sân khấu đặc sắc này, bởi nó được xây dựng trên nền tảng tư tưởng, thẩm mỹ đạo Phật Tiểu thừa.

Các điệu múa trong Rô Băm vừa sinh động vừa mềm mại gồm, Rom yeak (múa chằn), Apsara (múa tiên), Txu txai (điệu kết hợp của 12 động tác múa), múa khỉ Hanuman...


Việc bảo tồn và phát triển loại hình sân khấu Rô Băm cũng như các loại hình nghệ thuật khác trong cộng đồng tộc người Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là rất quan trọng, góp phần tích cực thực hiện phong trào văn hóa văn nghệ trong cộng đồng các dân tộc.

Nghệ sĩ, đạo diễn, biên đạo múa Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu, Thạch Si Phol cho biết, thời hoàng kim của các đoàn nghệ thuật sân khấu Rô Băm vào những năm thập niên 60 của thế kỷ XX. Hàng năm, các đoàn nghệ thuật Rô Băm thường đi lưu diễn ở đám làm phước, các chùa. Đoàn đi diễn đến đâu đều được bà con Khmer ở địa phương nơi đó lo nơi ăn, chốn ở.


Tuy nhiên, hiện nay nghệ thuật sân khấu Rô Băm đang dần bị mai một bởi nhiều nguyên nhân như: Diễn viên Rô Băm phải được huấn luyện thể hình từ bé, rất tốn kém và công phu; thế hệ nghệ sĩ giàu kinh nghiệm ngày càng già đi, thế hệ trẻ không mặn mà với nghệ thuật sân khấu Rô Băm; kinh phí đầu tư một vở diễn Rô Băm rất tốn kém...

Múa Rô Băm - loại hình kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer.

Trưởng đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu, Lâm Thế Hiệp cho biết, sau vở diễn “Rim Lắk Chup Lăk” của đạo diễn Thạch Si Phol thì loại hình nghệ thuật sân khấu Rô Băm tại Bạc Liêu chưa có những tác phẩm mới. Tuy nhiên, với những cố gắng, nỗ lực của nhiều nghệ nhân tâm huyết với loại hình nghệ thuật này, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với các nghệ nhân tỉnh Sóc Trăng dàn dựng 2 tiết mục “Mối tình nàng tiên cá” và “Chuyện tình Nol Thắk Chằn”, đây không phải là những vở diễn Rô Băm chính thống mà chỉ là những trích đoạn nên thường được lồng ghép vào các chương trình nghệ thuật tổng hợp của đoàn.


Trước nguy cơ những giá trị văn hóa tiêu biểu của tộc người Khmer ngày càng mai một, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong đồng bào Khmer. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã thành lập ban chuyên trách thực hiện công tác rà soát, sưu tầm, đánh giá, bảo tồn, lưu giữ sau đó hỗ trợ kinh phí để phục dựng, lưu giữ loại hình nghệ thuật Rô Băm cung đình này.


Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bạc Liêu nói riêng vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật sân khấu như: Nghệ thuật hát Aday, nghệ thuật tuồng cổ Dù kê, nghệ thuật múa trống Sa dâm, nghệ thuật múa Rom Vong, nghệ thuật sân khấu Rô Băm...


Như Bình
Từ múa Rô băm đến diễn xướng dù kê của người Khmer
Từ múa Rô băm đến diễn xướng dù kê của người Khmer

Đồng bào Khmer là dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nghệ thuật sân khấu riêng. Trước khi đạt đến một nền sân khấu Dù kê hoàn chỉnh, người Khmer Nam Bộ đã có những loại hình nghệ thuật diễn xướng sơ khai như hát đối đáp Aday, và đỉnh cao của hình thức diễn xướng cổ nhất mà người Khmer đồng bằng sông Cửu Long còn bảo lưu được là Rô băm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN