Bảo tồn di sản văn hóa vùng Tây Bắc:

Người "lưu giữ" làn điệu hát Then

Nặng lòng với mong muốn làn điệu hát Then truyền thống của dân tộc mình được bảo tồn và sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến, 62 tuổi, dân tộc Tày, ở phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã nhiều năm âm thầm sưu tầm, lưu giữ các làn điệu hát Then và đi khắp nơi truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến được nhiều người biết đến không chỉ với giọng hát mượt mà và trầm ấm với những làn điệu Then đầy nghĩa tình mà ông còn có tài làm đàn tính với kỹ thuật rất tinh xảo. Nghệ nhân Kiến kể lại, ngay từ nhỏ ông đã “say đắm” các làn điệu hát Then, ông thường lén nghe và hát theo các cụ trong bản biểu diễn, rồi theo các thầy cúng học lời Then cổ. Năm 10 tuổi, ông đã thuộc rất nhiều bài hát Then cũng như có thể chơi đàn tính một cách thành thạo. 

Nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến dạy hát cho các em nhỏ.

Cái duyên với hát Then đã đưa ông đến với Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Hà Giang. Sau đó, ông chuyển về Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang và nghỉ hưu năm 2008. Suốt những năm hoạt ở Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ông đã đem tiếng hát Then và tiếng đàn tính của dân tộc Tày tham gia rất nhiều chương trình hội diễn do Trung ương tổ chức và đạt nhiều giải như: 3 huy chương bạc tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 và 1999 tại Hà Nội, năm 2004 tại Điện Biên; 5 năm liền đạt giải nhì Liên hoan hát Then các tỉnh toàn quốc (năm 2005 tại Thái Nguyên, năm 2007 tại Cao Bằng, năm 2009 tại Bắc Kạn, năm 2012 tại Lạng Sơn, năm 2015 tại Tuyên Quang) cùng được nhiều giải thưởng khác.

Khi được hỏi về hát Then, đàn tính, nghệ nhân Kiến cho biết: Nói đến hát Then không thể nào không nhắc đến cây đàn tính. Then là điệu nhạc, là món quà của trời, đất đã trao gửi cho người Tày. Nhưng hát Then mà không có đàn tính thì như mùa xuân không có hoa đào nở, như miếng cau thiếu lá trầu xanh. Ông Kiến giải thích, đàn tính là dụng cụ để đệm khi hát Then, được làm từ ba loại vật liệu dễ tìm là quả bầu khô được cắt tiện thật khéo, gắn lên mặt cắt một mảnh ván mỏng; cần đàn làm bằng gỗ dâu hay thừng mục, vuốt thon một mặt phẳng và nối suôn qua bầu đàn, trên ngọn cần có thể khắc hình long, phượng, chim, thú; dây đàn được làm từ tơ tằm. 

Thêm ba núm chốt ngang qua khe máng đầu cần để mắc dây đàn và “con ngựa” trên mặt hộp, “con ngựa” có 3 khía đặt đỡ ba dây… Đàn tính được làm theo tỷ lệ, kích thước “song căm tẩu, cẩu căm cản” (hai nắm bầu, chín nắm cần”. Theo tiếng Tày, “tẩu” là bầu đàn, “song căm” là đường kính hộp đàn bằng hai nắm tay, tương đương 18 cm; cần đàn “cản đàn” cả phần thân cắm trong hộp đàn dài “cẩu căm” (chín nắm tay) tương đương 81 cm, còn lại ngọn cần đàn dài khoảng 20 cm để làm máng chốt dây và trang trí…

Cũng theo ông Kiến, đối với đồng bào Tày ở vùng cao phía Bắc thì hát Then chính là tiếng "lòng" là lời ru, là món ăn tinh thần. Ngày xưa, các cụ thường trình diễn theo hình thức diễn xướng tổng hợp là vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm... Ngày nay, lời của hát Then thường hướng đến ca ngợi Đảng, Bác Hồ hoặc tình yêu đôi lứa, phong tục tập quán…

Nghệ nhân Kiến luôn đau đáu trong lòng việc bảo tồn và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Hơn ai hết, ông hiểu hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không được lưu giữ, rèn luyện thì sẽ bị mai một đi. Chính vì thế, ngoài những chuyến lưu diễn, giao lưu với các tỉnh bạn, ông dành phần lớn thời gian cho việc dạy hát Then cho các lớp mở tại nhà và đến các câu lạc bộ ở trong, ngoài tỉnh để dạy hát Then khi có yêu cầu. Từ năm 2008 đến nay, ông đã dạy hát Then trên 300 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Bà Âu Thị Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tại tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cư trú lâu đời, có phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo nhưng do nhiều nguyên nhân bản sắc văn hóa các dân tộc đang dần bị mai một. Do vậy, việc nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến nhiều năm âm thầm sưu tầm, bảo tồn các làn điệu hát Then và nhiệt tình truyền dạy cho thế hệ trẻ là việc làm rất đáng trân trọng.
Bài và ảnh: Vũ Quang Đán
Bảo tồn văn hóa diễn xướng chầu văn, hát then
Bảo tồn văn hóa diễn xướng chầu văn, hát then

Chầu văn hay hát then là những nét văn hóa của dân tộc Việt và dân tộc Tày. Đây là hai loại hình diễn xướng tiêu biểu phát triển từ chính những nét văn hóa lâu đời của hai dân tộc. Gìn giữ, phát triển văn hóa diễn xướng của mỗi dân tộc chính là cách để bảo vệ văn hóa của dân tộc đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN