Bảo tồn trang phục dân tộc vùng Tây Bắc

Người La Chí bản Phùng giữ nghề trồng bông dệt vải

Người La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đến nay vẫn rất trân trọng trang phục truyền thống của dân tộc mình. Họ thường xuyên mặc quần áo dân tộc vào mỗi dịp lễ hội, đi chơi, đi chợ hoặc ngay cả khi ra đồng làm việc.

Xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang có tới 95,4% đồng bào là người La Chí, sống tập trung tại 8 bản, quanh những ngọn núi cao và ruộng bậc thang. Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc La Chí ở xã Bản Phùng vẫn gìn giữ được nghề trồng bông, dệt vải để may quần áo cho chính gia đình mình. Người La Chí không mặc trang phục khác, họ chỉ mặc trang phục dân tộc mình.

Đến La Chí vào mùa phơi bông, du khách như lạc vào biển mây trắng bồng bềnh.

Vào khoảng tháng 10, nếu ai có dịp vào xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, sẽ dễ dàng bắt gặp những nhóm chị em phụ nữ người La Chí miệt mài se bông dưới bóng râm của những tán cây to bên đường, hay những bà, những chị ngồi bên khung cửi dệt vải… người dân trong xã kể, bông này dùng để may những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình.

Theo ông Vương Văn Toàn, người dân trong xã Bản Phùng, người La Chí không mặc trang phục của dân tộc khác, mà tự tay dệt quần áo của mình. Trang phục của người La Chí đơn giản, không cầu kỳ, tất cả đều nhuộm màu chàm. Đàn ông mặc áo năm thân dài tới ngang bắp chân, quần lá tọa, đầu quấn khăn. Phụ nữ mặc áo dài tứ thân, có dây thắt lưng, yếm, đội khăn dài, mặc quần hay váy tùy người.

Dưới bàn tay cần mẫn của phụ nữ La Chí, bông được cuộn thành từng sợi nhỏ để se sợi.

Với người La Chí, việc thêu thùa và may vá là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, phụ nữ La Chí đã được dạy cách để tự làm ra trang phục cho bản thân và gia đình. "Phụ nữ người La Chí ai cũng biết se sợi dệt vải. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy khâu vá, thêu thùa để sau này lớn lên có thể tự làm những bộ trang phục cho mình và gia đình. Con trai La Chí khi chọn vợ cũng thường để ý những những cô gái giỏi việc khâu vá", bà Vàng Thị Chủng ở xã Bản Phùng cho biết.

Bà Vàng Thị Chủng kể, công đoạn để có thể tạo ra được một bộ quần áo của người La Chí rất cầu kỳ. Từ trồng bông, thu hái quả bông, sau đó mang về xử lý tách hạt, bật cho bông tơi ra, rồi cuộn thành từng thỏi nhỏ, những thỏi bông ấy sẽ được se thành sợi chỉ, rồi dệt thành vải, sau đó nhuộm màu chàm, cuối cùng là may quần áo cho gia đình. Toàn bộ quá trình hầu như được làm thủ công bằng tay và những công cụ thô sơ. Thông thường, để tạo ra một chiếc áo người phụ nữ La Chí phải làm liên tục trong nhiều tháng mới có thể hoàn thành.

Từ sợi chỉ mảnh mai, những bộ váy áo của người La Chí sẽ thành hình.

Ông Long Văn Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phùng cho biết, hiện nay, mỗi một hộ dân người La Chí ở xã Bản Phùng, nhà nào cũng có một phần đất để trồng bông, rồi phụ nữ La Chí sẽ lấy bông dệt thành vải để may quần áo cho các thành viên trong gia đình. Ông Cảm cho biết, hiện nay, nghề trồng bông dệt vải ở Bản Phùng cơ bản vẫn là tự cung tự cấp, chủ yếu để may quần áo cho các thành viên trong gia đình, chứ chưa phát triển thành hàng hóa thị trường… “Trồng bông, dệt vải là nghề truyền thống của người La Chí, nên nhiều năm nay, người La Chí vẫn gìn giữ truyền thống này của cha ông”, ông Cảm cho biết.

Tuy nhiên, ông Long Văn Cảm cũng rất trăn trở: Nhiều năm nay, lãnh đạo xã Bản Phùng vẫn luôn khuyến khích bà con dân tộc La Chí trồng bông, dệt vải, để giữ gìn nghề truyền thống mà cha ông để lại, giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, do điều kiện xã còn nhiều khó khăn, nên mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, khuyến khích về mặt tinh thần, chứ chưa có sự hỗ trợ cụ thể nào cho đồng bào.

Đã có một số hộ do điều kiện khó khăn về vốn, về diện tích đất nên trồng không đủ bông, vẫn phải đi mua thêm vải ở chợ về may. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay, là Nhà nước có một chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con trong xã, có thể là hỗ trợ vốn, hỗ trợ phân bón, công chăm sóc… để khuyến khích bà con trồng thêm diện tích bông, gìn giữ nghề truyền thống. Xã cũng đã đề nghị cấp trên công nhận làng nghề trồng bông, dệt vải và có chính sách hỗ trợ mở lớp truyền dạy nghề dệt vải cho các cháu, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Bài và ảnh: Lan Lộc
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN