Thuận vợ, thuận chồng để xây dựng gia đình hạnh phúc

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, gia đình Việt Nam đang biến đổi về nhiều mặt. Quan điểm về hôn nhân cũng thay đổi, kéo theo các mối quan hệ giữa các thành viên, giá trị của gia đình cũng có nhiều thay đổi so với gia đình truyền thống.

Nhưng có một điều sẽ mãi không thay đổi dù ở bất cứ thời đại nào, đó là khi người vợ cùng người chồng nhận thức được quyền và trách nhiệm, thủy chung, chia sẻ, chung tay góp sức thì hạnh phúc gia đình sẽ bền vững.

Gia đình trẻ dạo chơi ngày cuối tuần. Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN

Quyền và trách nhiệm làm vợ, làm chồng ở nước ta đã có nhiều thay đổi theo thời đại. Trong thời đại hôm nay, quyền và trách nhiệm ấy cần được thể hiện một cách linh hoạt như một “nghệ thuật sống”. Người phụ nữ trong gia đình hiện đại có vai trò rất lớn trong việc hình thành giá trị văn hóa; chọn lọc, phát triển và nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp cho các thành viên trong gia đình.

Sau nhiều năm chung sống, ở nhiều cặp vợ chồng, tình yêu dần nhường chỗ cho nghĩa vợ chồng và trách nhiệm với con cái, gia đình; những yếu tố giúp ‘giữ lửa” tình cảm như sự đam mê, lãng mạn giảm đi.  Chị Nghiêm Thị Liên (Hà Nội) chia sẻ, từ khi có con, hai vợ chồng không có nhiều thời gian riêng tư dành cho nhau. Tình cảm vợ chồng cũng có đôi chút thay đổi, không phải chỉ vì tình cảm được “san sẻ” bớt cho con, mà còn bởi nhiều áp lực trong cuộc sống, trong việc chăm sóc con cái.

Hiện nay, dù xã hội đã phát triển, người phụ nữ đã tự tin hơn trong mọi lĩnh vực đời sống, song nhiều người vẫn ngại thể hiện tình cảm với chồng, nhất là trước mặt người khác. Cũng có những người vợ rất yêu chồng nhưng không biết thể hiện tình yêu. Họ chọn cách cặm cụi làm việc, chăm sóc chồng con hàng ngày mà không biết rằng điều đó chưa đủ tạo ra “gia vị” giúp “hâm nóng” tình yêu, hôn nhân.

Đã kết hôn gần 11 năm, chị Đinh Thị Hường ở Hoàng Cầu, Hà Nội, cho rằng: Để tạo dựng một gia đình hòa thuận, các thành viên trong gia đình đều phải vun đắp, chia sẻ, gánh vác các công việc của gia đình. Trong đó, người phụ nữ cần linh hoạt sắp xếp cuộc sống gia đình một cách hợp lý, trọn vẹn.

Là giám đốc một công ty truyền thông, công việc vô cùng bận rộn nhưng chị Hường luôn cố gắng dành thời gian để chăm sóc con cái; đi du lịch cùng gia đình nhằm tăng gắn kết tình cảm giữa các thành viên; chia sẻ với chồng; duy trì mối quan hệ tốt đẹp với gia đình nội, ngoại và với bạn bè, đồng nghiệp của chồng.

Tuy nhiên, để người phụ nữ “vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà” rất cần có sự hậu thuẫn, sẻ chia, giúp đỡ của người chồng trong công việc gia đình và chăm sóc con cái. Khi nhận được sự chia sẻ của chồng, người vợ sẽ cảm nhận được tình yêu của chồng và có thêm sức mạnh để hy sinh, chăm sóc chồng con hơn nữa.

Điều mà mỗi người vợ, người chồng cần vun đắp, giữ gìn, đó là sự chung thủy. Về mặt lý thuyết, khi xã hội ngày càng phát triển, gia đình có nhiều điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần thì mối quan hệ giữa các thành viên sẽ ngày càng được củng cố. Song thực tế lại có xu hướng ngược lại, nhất là khi công nghệ thông tin phát triển mạnh như ngày nay.

Công nghệ giúp mỗi người tiếp cận được với nhiều người hơn ngoài xã hội, nhưng cũng khiến tình cảm gia đình phai nhạt dần nếu mỗi người không giữ vững bản lĩnh trước những cám dỗ thời công nghệ... Nếu mỗi người đều có ý thức nâng cao trách nhiệm với gia đình bằng tình yêu thương thực sự; biết kiểm soát cảm xúc cá nhân; loại bỏ thái độ sống ích kỷ… sẽ góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững.

Minh Huệ (TTXVN)
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3: Hạnh phúc đến từ điều giản dị
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3: Hạnh phúc đến từ điều giản dị

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn hướng tới một cuộc sống hòa bình, no ấm, hạnh phúc. Mỗi người dân đều mong muốn có một cuộc sống thực sự hạnh phúc cho bản thân, gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN