Chúng tôi lên Tam Đảo vào buổi sáng. Khu du lịch ở độ cao trên 1.000 mét này chìm trong sương sớm, với những cảnh núi rừng thơ mộng, vẻ đẹp gắn với Tam Đảo bao đời.
Vùng núi Tam Đảo, với các đỉnh Thiên Thị, Thạch Bàn và Phù Nghĩa, cách Hà Nội chỉ 80 km, là nơi phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ , ôn hòa. Khu du lịch ở đây được xây dựng từ thời Pháp, với các địa chỉ từ lâu đã trở nên quen thuộc: Nhà thờ đá cổ, Thác Bạc, cổng Trời, đền Mẫu Thượng Ngàn, tháp truyền hình... Trên 160 biệt thự với phong cách kiến trúc Pháp qua những biến đổi của thời gian làm nên một nét riêng cho Tam Đảo.
Nhà thờ đá cổ là điểm đến hấp dẫn, được xây dựng từ năm 1906. Lúc đầu, nhà thờ này làm bằng gỗ, đến năm 1937 mới xây dựng lại theo phong cách Gothic như ngày nay.
Cổng Trời Tam Đảo nằm liền bên nhà thờ đá. Từ đây, du khách có thể nhìn toàn cảnh thị trấn.
Tháp truyền hình Tam Đảo nằm trên đỉnh Thiên Thị ở độ cao 1.375 mét cũng là một vẻ đẹp độc đáo. Đường lên đỉnh tháp qua 1.394 bậc đá với nhiều cảnh sắc của thiên nhiên Tam Đảo là một hành trình thú vị.
Thác Bạc nằm dưới thung sâu, có độ cao khoảng 50 mét, nước chảy cả vào mùa khô, đường đi có đoạn khá hiểm trở. Dòng nước tụ về từ những cánh rừng rồi đổ xuống vực giữa phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ làm nên một vẻ đẹp hấp dẫn.
Đền Mẫu thượng ngàn, liền bên đển thờ Quốc mẫu Âu Cơ và chùa Vàng, là một địa chỉ tâm linh hút ở Tam Đảo. Lên cao qua ba trăm bậc đá giữa những khu rừng trúc, cùng với những cầu mong bình an may mắn, người đến viếng đển còn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của Tam Đảo từ trên cao.
Tuy vậy, không ít điều băn khoăn khi đến Tam Đảo những ngày này: Khu trung tâm với mật độ xây dựng dày đặc những lâu đài, khách sạn, nhà hàng... đang phá vỡ cảnh quan thơ mộng và thoáng đãng trước đây. Một quy hoạch hợp lý ở đây đang là một yêu cầu cấp bách. Những khối nhà ken dày làm mất đi những khoảng không cần thiết.
Sự mất cân bằng giữa cơ sở hạ tầng và dịch vụ với số lượng khách đổ về đông đặc những ngày cuối tuần đe dọa làm đảo lộn hệ sinh thái của một khu du lịch nghỉ dưỡng lâu đời này.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm, phá hoại, quản lý lỏng lẻo rừng đặc dụng và môi trường nói chung ở Tam Đảo vẫn là vấn đề bức xúc của công luận suốt thời gian qua.
Đấy đang thực sự là những nguy cơ cho Tam Đảo. Hy vọng những vấn đề này sẽ được các nhà quản lý quan tâm để sự phát triển của Tam Đảo được vững bền, vẻ đẹp của khu du lịch này sẽ được gìn giữ cho hôm nay và mai sau.