Sổ liên lạc điện tử - sự lãng phí

Để dễ kiểm tra mọi hoạt động học tập của con em mình ở trường, nhiều phụ huynh đăng ký dịch vụ “sổ liên lạc điện tử”. Dịch vụ này ra đời khoảng 3 năm nay, những tưởng sẽ làm giảm áp lực cho cha mẹ và nhà trường, nhưng thực tế lại là sự lãng phí.

Là phụ huynh có con đang học tại một trường THPT, để dễ dàng theo dõi mọi hoạt động của con, tôi cũng tham gia dịch vụ “sổ liên lạc điện tử” như nhiều cha mẹ khác. Thú thật, ban đầu tôi thấy sổ liên lạc điện tử cũng tiện lợi vì khi con vi phạm nội quy, điểm kém, cúp học… đều được phần mềm chuyển tin nhắn đến số máy của mình. Qua đó tôi kịp thời giáo dục, chỉnh đốn con mình ngay. Nhưng dần dần tôi nhận ra nó thực sự không cần thiết.

Để đăng ký dịch vụ này, mỗi phụ huynh phải mất phí từ 30.000 đồng (nhắn tin 3 ngày/tuần) đến 80.000 đồng (nhắn tin 6 ngày/tuần) cho một tháng, tùy theo nhà mạng. Tính ra đắt hơn gấp mấy lần tin nhắn bình thường. Do phía nhà mạng chỉ cung cấp phần mềm, còn giáo viên lại kiêm luôn nhiệm vụ ghi chép, nhập dữ liệu nên đôi khi vì quá bận nhiều việc mà giáo viên ghi rất sơ sài, chung chung, không chính xác. Đôi khi phần mềm vấp lỗi, tôi phải nhận nhầm sổ liên lạc của một học sinh khác không phải con mình.

Một giáo viên tin học than thở với tôi, từ ngày trường anh ta có chương trình sổ liên lạc điện tử, anh trở nên “mất ăn mất ngủ”. Vì ngoài bộ môn vi tính, anh còn kiêm luôn nhập dữ liệu vào phần mềm cho từng giáo viên chủ nhiệm (họ ghi chép sẵn), sao cho ngắn gọn. Chính vì quá máy móc nên đâm ra sổ liên lạc điện tử thiếu nghiệp vụ sư phạm.

Do nhà trường không bắt buộc đăng ký nên tôi đã xin ngừng dịch vụ này. Tôi nghĩ quyết định này là đúng vì trong thời buổi kinh tế khó khăn, chúng ta không nên lãng phí. Mặt khác, nếu cứ sử dụng sổ liên lạc điện tử, không khéo hình ảnh của một gia đình ngồi quây quần bên nhau xem sổ liên lạc và nhỏ nhẹ dạy dỗ con sẽ trở thành quá khứ. Việc cứ cầm điện thoại di động đưa con xem tin nhắn rồi giảng dạy trở nên vô hồn, thiếu tính nhân văn. Đôi khi nhiều cha mẹ xem xong tin nhắn rồi quên (do bù đầu với công việc), đến khi cần dạy con thì tin nhắn đó đã tự động xóa (vì quá đầy) hoặc lỡ tay xóa, rồi rơi vào quên lãng. Một tin nhắn trên sổ liên lạc điện tử luôn ngắn gọn nên không thể chuyển tải hết những đóng góp ý kiến của giáo viên cũng như chữ ký và cả con dấu của nhà trường.

Phụ huynh cần biết những khuyết điểm của con như cúp học, đánh nhau, không thuộc bài… theo tôi không cần đến sổ liên lạc điện tử để nhận được thông tin gấp. Vì những sự việc ấy đã được các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, giám thị sẽ liên lạc ngay với phụ huynh thông qua số điện thoại.

Đặng Trung Thành

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN