Nơi ‘cất chứa’ những đam mê và tâm huyết của nữ họa sĩ Văn Dương Thành

Lễ Khánh thành Không gian Hội họa Văn Dương Thành đã diễn ra ngày 6/2, tại Villa White Lotus c29, ngõ 210 Nghi Tàm, phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội). Ngay sau lễ khánh thành, tại đây đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm Mừng xuân Nhâm Dần.

Chú thích ảnh
Lễ cắt băng khánh thành Không gian Hội họa Văn Dương Thành.

Điểm đặc biệt của sự kiện này là Văn Dương Thành đã tâm huyết đưa bộ sưu tập tranh vẽ do Danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… mà Thành đã dày công gìn giữ từ những năm 1980s cho tới nay. Một số tác phẩm quý giá này đã từng được triển lãm tại Viện Bảo tàng Louvre (Paris năm 1990), Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương (Thụy Điển năm 2000), Khai mạc do Bộ Ngoại giao Thụy Điển. Sau đó Bộ sưu tập được bảo hiểm và gìn giữ tại Stockholm.

Theo nữ họa sĩ chia sẻ, chị rất trăn trở với việc nếu BTS của các bậc thầy hội họa Việt Nam chỉ nằm trong kho lưu trữ và bảo hiểm, thì rất nhiều người Việt không được xem, đặc biệt là thế hệ trẻ - nên chị đã quyết tâm thực hiện cuộc hành trình đưa bộ sưu tập về với Hà Nội.

“Trước đây Thành có trưng bày rải rác một vài tranh để tưởng nhớ đến các thầy, nhưng lần này thực sự là một cuộc triển lãm với hơn 20 tác phẩm quý giá như: “Chân dung thiếu nữ áo đỏ”, “Chân dung thiếu nữ áo hồng và hoa hồng”, “Tết Trung thu Hà Nội”, đặc biệt những con vật trong 12 con giáp như: Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi trong tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, cũng như bạn thân của ông là Bùi Xuân Phái. Nét bút bay lượn đầy nhạc tính của bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm diễn tả con hổ rất hùng vĩ và tinh tế, cũng như những tranh sơn dầu lộng lẫy êm dịu của Bùi Xuân Phái, chắc chắn sẽ rung động cảm xúc của những người thưởng lãm”, nữ họa sĩ chia sẻ.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Văn Dương Thành.

Không gian Hội họa Văn Dương Thành gồm nhiều khu vực. “Phòng lộc vừng” ở tầng một hiện triển lãm tranh Văn Dương Thành vừa sáng tác xong trong năm Nhâm Dần 2022. Đây  cũng sẽ là nơi trưng bày triển lãm cho các họa sĩ trong và ngoài nước, nhất là những họa sĩ tâm huyết với nghề, tài năng nhưng ở vùng xa hoặc gặp khó khăn. Ngoài ra tầng còn có phòng trải nghiệm hội họa, gốm và sơn mài cho các em nhỏ.

Tầng bốn và tầng năm trưng bày quá trình sáng tác của Văn Dương Thành từ những năm 90 trở về đây, với nhiều bức tranh đã được triển lãm tại Viện bảo Staffanstop Konsthall – Thụy Điển, Bảo tàng Chopin – Ba Lan, Ethnology Museum of Bucharest, Warsaw, Mondavia, Arts Museum of Singapore, Arts Museum of Thailand, …

Với hơn 2.000 bức tranh và 90 cuộc triển lãm cá nhân, những sáng tác mới đây của Thành ngày càng nhẹ nhõm, màu sắc rực rỡ vui tươi và tràn đầy tình yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên quê nhà và cả những miền đất xa mà Thành đã từng sống và học tập. Phong cách biểu hiện và trừu tượng vẫn luôn hiện hữu trong tranh của Thành nhưng với những gam màu khác biệt như những bước biển xanh với Ghềnh Đá Đĩa ở quê hương Phú Yên, Động Trinh Nữ ở Vịnh Hạ Long, những ruộng lúa vàng trải dài hoặc đồng bằng sông Cửu Long ngập nước, rộn ràng với đàn hạc cổ đỏ, đàn sếu sum vầy bao thế hệ trong thiên nhiên tươi xanh trong trẻo! Cũng tại không gian này, người xem sẽ gặp những bức chân dung của Đức Phật A Di Đà, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Thánh Mahatma Gandhi (Ấn Độ), chân dung Đại Thi hào A.S.Pushkin (Liên bang Nga), chân dung nhà soạn nhạc Thiên tài Frédéric Chopin (Ba Lan); bên cạnh những tài năng đất Việt như chân dung Nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, Học giả Vương Hồng Sển; hay những ca sĩ Việt Nam được yêu mến như Khánh Ly, Phi Nhung, Kim Anh và những người bạn, người thân trong gia đình. Mỗi bức tranh là một lần ghi lại tình cảm của Văn Dương Thành. Đặc biệt có hơn 100 bức tranh vẽ bậc thầy Bùi Xuân Phái và 50 bức vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Họa sĩ Văn Dương Thành khai cọ đầu xuân cùng cháu gái Julie.

Ở tầng sáu có lưu trữ hơn 100 bức tranh của các họa sĩ Việt Nam phần lớn từ trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam, những bức tranh trưng bày này sẽ được luôn được thay đổi và luân chuyển.

Tâm sự về ngôi nhà mơ ước, nữ họa sĩ cho biết, chị đã nhiều đêm thức để vẽ thiết kế, chọn màu sắc, chọn chất liệu cùng với KTS Nguyễn Nam và những người thi công. Có những khoảng kiến trúc khi xây lên không phù hợp lại dỡ đi để thay đổi chất liệu đá và màu sắc, hết sức công phu và vất vả. Nhưng giờ đây khi công trình đã hoàn thành với tầm nhìn hướng ra sông Hồng và Hồ Tây, nữ họa sĩ cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì những công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.

Đánh giá về nữ họa sĩ, TS Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương chia sẻ: "Họa sĩ Văn Dương Thành là một trong những họa sỹ tên tuổi trong khu vực và Quốc tế, chị luôn là người giữ những bản sắc dân tộc xen lẫn hiện đại, hiện thân của một người phụ nữ Việt . Cảm ơn chị đã tạo ra một không gian kết nối nghệ thuật ấm cúng và giàu ý nghĩa nhân văn".

Còn ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam chia sẻ: "Đến với Văn Dương Thành không chỉ đến với hội họa, mà còn đến với tình yêu con người, sự nhân văn cao đẹp từ tấm lòng của chị bấy lâu nay luôn hướng về quê hương về cộng đồng. Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật có nhiều đóng góp to lớn, chị còn là một nhà thiện nguyện với tấm lòng nhân ái bao la".

Không gian Hội họa Văn Dương Thành là nơi công chúng có thể gặp gỡ, đối thoại với họa sĩ, xem họa sĩ làm việc, trao đổi và thưởng thức những bức tranh đã hoàn thành và có cả những bức còn đang ở trên giá vẽ. Không gian này với mục đích đưa hội họa vào cuộc sống đến với mọi người gần gũi và giản đơn nhất.
PV
Hà Nội trong hội họa Văn Dương Thành
Hà Nội trong hội họa Văn Dương Thành

Từ Thăng Long đến Hà Nội, pho sử được chép trên những mảng tường, mái ngói rêu phong của thủ đô - đặc biệt được diễn tả trong hai trăm bức tranh của Văn Dương Thành, kết quả của 40 năm cầm bút vẽ về phố cổ Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN