Mật ngọt tình người

Tàng tàng trên chiếc xe máy, tôi rong ruổi trên đường phố Sài Gòn. Tay xách nách mang nào chai lọ, hũ, tuýp - tôi đi bán mật ong chín.


Cái duyên với nghề


Nói riết muốn thuộc lòng "Dạ thím Hai, mật ong chín không phải đem nấu chín mà là chín muồi, chín như trái cây...". Tôi là dân marketing học hành hẳn hoi, thời buổi khó khăn, xắn quần mang sản phẩm trong kho đem bán lẻ. Từ cái hồi mới vào công ty, ưng bụng ngay khi nghe nói về mật ong chín.

Nguyên chất nhàm rồi giờ phải chín thì mới "ngon" chứ. Sếp thì cứ ra rả bên tai: "Tên công ty bắt đầu bằng chữ Z, cuối cùng là chữ A, nên phải phấn đấu không ngừng để từ zero – số không, vươn lên vị trí dẫn đầu “ahead".

Nhưng A đâu không thấy, chỉ thấy toàn "zero". Thị trường "mới toanh xà beng", ít người có thói quen dùng mật ong hằng ngày, mật ong làm ra được bao nhiêu chủ yếu đem đi xuất khẩu hết, để lại xài trong nước thì không đáng kể.

Kênh phân phối cũng lẹt đẹt từ số không. Mấy ông "nguyên chất" thì tràn lan, không biết ông nào nguyên ông nào chất nữa… Đi nhiều, tôi thấy mình dần hóa thành ong, chăm chỉ làm công việc mang mật ngọt cho đời.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Như một thói quen, tôi chống xe, lôi trong giỏ ra chai mật ong chín sáng loáng, chải tóc cho long lanh hoa lá, cười tươi nhảy vào một cửa hàng. Gặp một chị trạc tuổi trung niên, chỉ mới kịp hỏi chị đã bao giờ nghe nói mật ong chín chưa? Chị đáp lại tỉnh queo: "Em về hỏi sếp em, chuyên gia số 1 về nuôi ong Ý ở Việt Nam là ai rồi quay lại chị lấy hàng cho".


Đứng hình mấy giây, tiếp chị còn "khai sáng" tôi bằng cả một quy trình ong luyện mật bài bản như sách. Bình thường với những khách hàng hàng khác, tôi phải uốn lưỡi mà giải thích nào là mật ong chín là loại mật ong hoàn thiện, được ong luyện đủ tháng đủ ngày, thơm ngon, bổ dưỡng. Nào là mật ong chín khi ong dùng sáp vít nắp tổ. Nào là mật non khác mật chín, giống như trái chín khác trái xanh...

Lần này thì khác, chị bán hàng cứ như vừa bước ra từ trại ong, hiểu rõ tận tâm can của mật ong chín mà kể như thể bộ phận nghiên cứu sản phẩm huyên thuyên trong buổi thuyết trình ra mắt sản phẩm.

Hỏi ra mới biết chị này là Quách Nam Hoa, con gái ruột của ông Quách Đại Cương, người nuôi ong nổi tiếng thập niên 80 và là người dạy nghề nuôi ong cho thế hệ đầu tiên của Xí nghiệp ong giống Trung ương, đặt tại xã Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ông Quách cũng là người đầu tiên mang giống ong Ý vào Việt Nam và được học trò của ông suy tôn làm sư phụ về nuôi ong Ý.

Yêu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Quay lại những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là khoảng thời gian đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Quan sát cuộc sống du mục của người nuôi ong mới thấm thía hết những giá trị trong từng giọt mật ngọt.

Ông Quách gốc gác ở tận Giang Tây, Trung Quốc, bôn ba nhiều nơi, cuối cùng quyết định dừng chân tại quê hương thứ 2 của mình là Việt Nam. Ông chọn nơi này vì điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho việc nuôi ong lấy mật và phát triển các đàn ong nhập khỏe mạnh.

Nuôi ong là việc mà ông say mê từ nhỏ và theo ngành nông học này suốt thời trai trẻ. Ngày đầu đến Việt Nam, gia tài vỏn vẹn chỉ 3 thùng ong, ông Quách quyết tâm gây dựng trại ong Phương Nam tại thiên đường Bảo Lộc, Lâm Đồng. Cả đời mình, ông Quách dành trọn cho việc phát triển nghề ong, đệ tử theo học nghề thời đó rất nhiều.


Người làm nghề ong thời đó chia làm hai nhánh: một là nhánh nuôi ong nội địa. Giống ong nội nhỏ con không hợp khí hậu nóng ẩm miền Nam nên bệnh lên bệnh xuống. Nhánh thứ hai đi đầu bởi ông Quách Đại Cương nuôi giống ong mật nhập từ Ý, đây là giống ong bự con cho năng suất tốt lại khỏe mạnh.

Hầu hết những người nuôi ong Ý sau này đều là học trò của ông Quách hoặc là học trò của họ. Đến giữa thập niên tám mươi thì hai nhánh này kết hợp và chọn con ong Ý làm chủ lực.

Tôi càng thêm cảm phục lòng nghề mãnh liệt của những thế hệ đi trước khi chị Quách Nam Hoa kể lại câu nói của cha với giọng bùi ngùi: "Ba rất thương con ong. Con ong vất vả lắm, nhờ nó hằng ngày vất vả mà ba má nuôi được các con thành người”.

Ông Quách nuôi ong cho đến tận ngày cuối cùng của mình. Dù đã rất yếu, nhưng ông vẫn nuôi “văn nghệ” vài thùng ong vì muốn mỗi sáng thức dậy, được nhìn thấy bầy ong bay đi lấy mật. Chị Quách Nam Hoa, con gái thứ 7 của ông, hồi tưởng lại: “Lúc ba nhắm mắt, bầy ong cũng biết cảm thương mà vây kín di ảnh, ai thấy cũng xúc động”.

Càng hiểu càng yêu nghề

Ông Quách Đại Cương sở hữu nhiều sách hiếm về nuôi ong in từ lâu lắc, được giữ gìn như bảo bối. Các sách hiện đại bây giờ cũng dễ gì kiếm ra hình con ong chúa đang đẻ trứng bao quanh là một đám ong thợ hầu hạ.

Hiếm lắm mới thấy cảnh giao phối của ong chúa và ong đực thực hiện trên không, một đám ong đực đeo theo để được dâng hiến đời trai cho ong chúa để rồi chết đi vì mất luôn cả bộ "đồ nghề".

Chuyện về con ong, ôi thôi cũng thú vị quá chừng. Loài ong có một đời sống xã hội hết sức kỷ cương và nề nếp. Cả đàn chỉ phục tùng một ong chúa là con cái duy nhất trong đàn có khả năng đẻ trứng, đẻ trứng và đẻ trứng. Ở thế giới đó chỉ có vài trăm con ong đực được sinh ra trong mùa giao phối.

Ong đực không tham gia sản xuất, không làm gì hết chỉ biết ăn rồi tà tà chờ giao phối với ong chúa. Thời điểm giao phối, ong chúa chỉ giao phối với một con ong đực và anh này sau đó cũng chết vì tình như đã nói ở trên. Mấy "ông" còn lại buồn bã nhịn ăn mà chết đói hay bỏ xứ ra đi, phần thì quyên sinh cho cá, cho chim…

Người ta thường nói, những người nuôi ong sống rất thọ, đó cũng là do lối sống lành mạnh hòa hợp với thiên nhiên. Người nuôi ong phải thường xuyên di chuyển đến vùng hoa lành đề ong hút mật, bởi thế ít bị ảnh hưởng bởi độc hại của môi trường.

Con ong phải hút mật liền tù tì hết hoa ngon này đến hoa đẹp khác. Khi hoa vừa héo cũng là lúc ong thụ phấn cho cây xong, người nuôi ong lại lo tìm đến vùng nhiều hoa thơm cỏ lạ khác. Vì lẽ đó mà họ có cuộc sống chu du thiên hạ.


Tháng chạp lên Bảo Lộc đón mùa hoa cà phê nở, đã đời rồi tháng Giêng xuống Long Khánh lấy mật cao su, tháng Hai lại qua Cái Bè quất mật chôm chôm, hết lại về Cai Lậy lấy mật nhãn. Những ngươi nuôi ong ở ngoài Bắc còn theo con ong lên tận các rẻo núi cao để đón mật hoa bạc hà, hoa cỏ lào, hoa càng cua…

Quan trọng là phải biết lấy mật lúc mật ngon nhất đó là khi con ong dùng sáp đóng kín hết các ngăn chứa mật, cầu ong phủ một màu trắng xóa. Đó là khi mật ong chín.

Mật ong chín đà thì khi bảo quản dinh dưỡng mới không bị mất, không bị lên men, bị chua như mật còn non. Nếu tính ra thì mật ong dân mình lấy từ ong hoang dã sinh đóng trong rừng cũng không khác gì ong nuôi trong nhà, vì bản chất con ong đều làm mật từ việc đi hút mật hoa khắp vùng.

Mật ong luôn mang đặc trưng của vùng hoa mà ong lấy mật, mỗi vùng có hương vị rất riêng. Nếu là người sành ăn sẽ biết ngay là đó đặc trưng ở vùng nào. Đó là cái sướng của người thưởng thức, còn những người làm nghề như chúng tôi lại có cái sướng riêng: chu du và hạnh phúc khi mang mật ngọt cho đời.

Càng hiểu, chúng tôi càng yêu nghề và càng trân trọng những cống hiến của các thế hệ cha ông đi trước, đồng thời luôn tâm niệm rằng sẽ khẳng định được với thế giới chất lượng lẫn thương hiệu mật ong Việt Nam, rằng chúng ta không chỉ có nhiều mật ong mà còn có những loại mật ong ngon đặc biệt, tinh túy từ hoa, kết tinh của tình nghề và tình người.


PV
Mật ong màu… xanh
Mật ong màu… xanh

Đàn ong tại một loạt cơ sở nuôi ong ở thị trấn Ribeauville, khu vực Alsace (đông bắc nước Pháp) không làm ra mật màu vàng mà lại cho ra thứ mật có màu xanh nước biển và xanh lá cây bí ẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN