Lên Suối Giàng

Từ Mường Lò, chúng tôi ngược đường lên Suối Giàng vào một buổi sáng.

Những ngọn núi cao chìm trong mây trắng Tây Bắc luôn có sức cuốn hút. Xứ sở của chè Shan Tuyết ở độ cao trên 1.400 mét đã ngay trong tầm mắt. Từ dưới chân núi, cảnh làng bản với những nếp nhà ẩn trên cao mang vẻ đẹp rất độc đáo.

Nhưng đúng lúc chiếc xe con của chúng tôi rẽ vào con đường từ chân núi lên bản, điều không chờ đợi đã xảy đến. Những tốp công nhân đang sửa đường. Người ta làm những đường cống ngang để thoát nước từ sườn núi xuống vực; khởi động bước đầu cho dự án nâng cấp đường lên Suối Giàng. Đối với chiếc xe con gầm thấp thì những đoạn đang làm cống gồ lên, ngổn ngang đất đá ấy là một thách thức lớn. Sau khi mấy anh em xúm nhau vào đẩy xe qua vài đoạn sửa, chúng tôi hiểu rằng không thể mạo hiểm nữa, đành quay xe ra.

Tôi và nhà báo Ngô Hà Thái đang tính chuyện đi bộ khoảng dăm cây số còn lại thì rất may có một chiếc xe máy đi vào. Anh bạn người Mông Giàng Mí Của tốt bụng không nề hà chở hai nhà báo dẫu chiếc xe Win của anh không còn tươm lắm. Đến một đoạn đườc ngược dốc khó hơn, chúng tôi phải chuyển sang xe của hai người khác, Nông Văn Vinh, người Nùng và Ngô Kiên, người Kinh, đang trên đường qua đây, để ngược tiếp lên đỉnh núi, qua trung tâm xã , lên tận rừng chè cổ.

Giàng A Páo, chàng thanh niên bản Pang Cáng, dẫn chúng tôi thăm rừng trà cổ. Cảm giác lội bộ giữa rừng chè Shan Tuyết ba trăm năm tuổi giữa nắng gió, trên một triền núi cao quấn quít mây bay, không khí trong lành thật đặc biệt. Ở độ cao này, khí hậu mát mẻ, ôn hoà. Các thế hệ người Mông ở Suối Giàng đời này qua đời khác, với sự ưu đãi của thiên nhiên, đã vun trồng, chăm sóc và tạo dựng nên giống chè nổi tiếng.

Một nhà khoa học, viện sĩ K.M. Djemmukhalze đến từ Ba Cu (Ajerbaizan), khi thăm Suối Giàng đã khẳng định rằng, ông đã đi qua 120 nước trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm và to như ở Suối Giàng. Ông cho rằng có lẽ đây là cái nôi của loài chè. Theo ông, chè Shan Tuyết Suối Giàng rất độc đáo, có đủ 18 hương vị hàng đầu của chè trên thế giới, vì thế có sức hấp dẫn đặc biệt.

Người ta thường nói tới năm chữ "cực" về chè Suối Giàng: “cực khổ” khi trồng và thu hái; “cực sạch” vì những điều kiện khí hậu, môi trường và quy trình chăm sóc; “cực hiếm” - vì sản lượng ít (mỗi năm sản lượng chỉ khoảng 200 tấn); “cực ngon”, và vì vậy, “cực đắt”.

Chè Suối Giang có hương vị đặc biệt còn ở quy trình thu hái, chế biến, sao tẩm rất kỹ lưỡng. Những búp chè non mầu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết, được chọn kỹ, sau đó mới sao trong chảo gang. Củi dùng sao chè là loại thật khô, cháy đượm. Lửa sao chè phải thật đều , đủ độ nóng. Người Mông vò chè bằng tay sao cho những búp chè săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng, vì thế làm nên tên gọi chè Shan tuyết nổi tiếng.

Sáng ấy, sau khi thăm rừng chè cổ, chúng tôi ghé thăm nhà Tráng A Páo. Nhà của vợ chồng anh cất ngay bên sườn núi có rừng chè, tầm nhìn rất đẹp. Đây là phần đất của tổ tiên, Páo được bố mẹ chia lại cùng một vạt chè sau khi lập gia đình riêng. Qua câu chuyện của Páo, chúng tôi hình dung ra phần nào cuộc sống khá ổn định gắn với cây chè của người dân Suối Giàng.


Páo pha chè mời chúng tôi cùng thưởng ngoạn. Một hương thơm tinh chất quyến rũ của chè Shan Tuyết do chính tay Páo sao tẩm pha bằng nguồn nước suối thiên nhiên từ đỉnh núi chảy xuống. Vị đậm bùi thơm chát mang cả hương sắc của thiên nhiên đất trời Suối Giàng, không chịu tan ngay mà cứ lưu luyến mãi nơi đầu lưỡi.

Ngay nhà bên, gần nơi chúng tôi, mấy mẹ con chị Mùa Thị Tùng, hàng xóm của Páo, đang vui đùa, tiếng trẻ thơ ngân nga. Dưới tầm mắt chúng tôi, bản Pang Cáng với những nếp nhà yên ấm, nép bên nhau như một bức tranh đẹp; con đường mòn như một sợi chỉ vương giữa núi đồi. Tiếng khèn ai đang gọi bạn. Xa nữa, cánh đồng Mường Lò bát ngát và thị xã Nghĩa Lộ thấp thoáng trong mây trắng...

Khi chia tay Tráng A Páo và các bạn để xuống núi, chúng tôi đã hiểu rằng, người ấy, cảnh ấy với hương vị chè Shan Tuyết của Suối Giàng với chúng tôi sẽ còn vấn vương mãi.

Trần Mai Hưởng
Tuyên Quang giảm nghèo nhờ chè Shan tuyết
Tuyên Quang giảm nghèo nhờ chè Shan tuyết

Chè Shan tuyết đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực ở huyện vùng cao Na Hang, Tuyên Quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN