Định hướng quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015

Hỏi: Nhằm quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Chính phủ đã có định hướng gì?

 

Trả lời: Ngày 3/6/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 750/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.


Theo đó, Quy hoạch phát triển cao su phải trên cơ sở nhu cầu của thị trường. Khai thác, phát huy có hiệu quả lợi thế về đất đai, tự nhiên ở một số vùng để phát triển bền vững. Áp dụng nhanh tiến độ khoa học công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm cao su trên thị trường. Phát triển cao su theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng. Trồng trọt mới cao su trên diện tích chuyển đổi tối đa đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và đất rừng tự nhiên là rừng nghèo phù hợp với trồng cây cao su. Phát triển cao su phải gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến và thị trường để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn...


Về quỹ đất trồng cao su: Để đạt mục tiêu 800.000 ha cao su, phải tiếp tục trồng mới 150.000 ha trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng và chuyển đổi từ đất rừng tự nhiên là rừng nghèo phù hợp với yêu cầu sinh trưởng của cây cao su.


Định hướng quy hoạch cao su: Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục trồng mới 25.000 ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và chuyển đổi đất rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo phù hợp với cao su, để ổn định diện tích 390.000 ha cao su. Vùng Tây Nguyên tiếp tục trồng mới khoảng 95 -100.000 ha trên đất đang sản xuất nông nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng, chuyển đổi đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo phù hợp trồng cao su, để ổn định diện tích 280.000 ha.

 

Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ tiếp tục trồng mới 10-15.000 ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và chuyển đổi đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo phù hợp trồng cao su, để ổn định diện tích 40.000 ha. Vùng Bắc Trung Bộ tiếp tục trồng mới khoảng 20.000 ha, chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp, để ổn định diện tích 80 nghìn ha… Trên cơ sở quỹ đất và kết quả đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện, để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha.


Về khoa học, công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: tiếp tục đầu tư cho các dự án nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và nhập nội các giống cao su có năng suất, chất lượng cao. Bộ NN & PTNT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án giống cao su chất lượng cao thuộc Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy, hải sản... Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cung cấp thông tin, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động…


Về tiêu thụ sản phẩm: doanh nghiệp phải tổ chức tốt việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cao su với tổ chức và người sản xuất... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su, xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hình thành thị trường kỳ hạn cao su Việt Nam; thúc đẩy quan hệ hợp tác trồng, chế biến và tiêu thụ cao su với các nước trên thế giới…

Động viên dân giữ cao su
Động viên dân giữ cao su

Xã Đoàn Kết là một trong những địa phương có diện tích cao su tiểu điền cao nhất huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) với gần 700 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN