Cô giáo dạy văn của tôi

Những lúc buồn, tôi thường mở quyển lưu bút, cẩn trọng đọc từng dòng chia tay bịn rịn, nhìn những tấm ảnh bạn bè của một thời vô tư không lo nghĩ... nhìn cô giáo cũ mà mình yêu quý kính trọng, cô Nguyễn Thị Nở dạy Văn năm học lớp 12.

Những lúc “ngã lòng”, tôi “vịn” lời cô để đứng dậy, thấy mình được tiếp thêm sức lực, “các em hãy như vị thần trong thần thoại của người Hy Lạp, vị thần đó mỗi lần ngã thì được mẹ đất tiếp thêm sức nên mạnh hơn còn các em, mỗi lần ngã thì hãy lấy bài học mà mình rút ra từ cú ngã đó làm sức mạnh để đứng dậy thật vững vàng …”. 

Đó là lời kết sau khi cô kể chúng tôi nghe mười hai chiến công của vị thần sức mạnh, Hecquyn.

Hồi ấy cả lớp tôi đều thích những bài giảng của bộ môn Văn. Cô đã “chinh phục” chúng tôi qua từng tiết học… Những câu chuyện kể, những lời cô giảng, với chúng tôi,  là những bài học cuộc sống vô giá…

Kết thúc học kì I năm lớp 10, tôi đã không thể là học sinh giỏi vì bị điểm thấp môn Văn. Tôi ức lắm, rõ ràng tôi đâu có lười học môn Văn, luôn cố gắng hết sức như lời cô khuyên, mỗi khi làm tập làm văn, tôi thực hiện từng bước như lý thuyết đã học, nhưng tôi không thể có điểm giỏi. Phần thưởng năm lớp 12 đạt học sinh giỏi là một chiếc xe đạp mới coi như… hỏng.

Giấc mơ về chiếc xe đạp mini sắp thành sự thật, giờ thì cũng tại môn Văn mà tôi lại phải ì ạch tới trường với chiếc xe đạp sét rỉ, tôi đâm ghét môn Văn, ghét môn học thì ghét luôn cô giáo dạy môn đó…Tôi quay ra học Văn với tâm thế miễn cưỡng. Có một tiết học, khi cả lớp chăm chú nghe cô giảng thì tôi lấy vở Toán ra làm bài tập. 

Cô bước xuống chỗ tôi ngồi, cầm vở Toán lên bỏ trên bàn và nói: “Cô không yêu cầu em chỉ học mỗi môn Văn nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng em được phép làm việc riêng trong giờ học. Trong tiết Văn, tại sao em lại học Toán?”. Tôi đứng dậy, cúi gằm mặt xuống và trả lời bất cần:  “Thưa cô, vì em không thích Văn, em không làm nhà văn, không làm cô giáo dạy Văn!”. 

Cô không hề tức giận, giọng cô trở nên hiền hơn lúc đầu: “Học văn không có nghĩa là để trở thành nhà văn hay cô giáo dạy Văn, ngành nghề nào em cũng phải cần kỹ năng nghe, đọc, viết. Làm gì cũng vậy, nếu đã giỏi về chuyên môn, lại có thêm ba kỹ năng này thì em sẽ dễ dàng thành công”. 

Cô vừa nói vừa ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Tôi nặng nề ngồi xuống, không ngước mặt lên mà vẫn lầm lì cúi mặt lầm bầm: “Sao cô không thành đạt đi!?”. Cô nghe hết câu “trả đũa” của tôi, lấy tay cốc nhẹ vào đầu tôi và cười: “Nhớ là, người thành đạt không phải là đã làm được những gì mà là trở thành người như thế nào! Thành công là một hành trình chứ không phải đích đến”. Câu nói ấy của cô, trong tình cảnh ấy đã khiến tôi khắc cốt ghi tâm.

Bây giờ, khi đã trở thành cô giáo dạy Văn, nghĩ lại những lời “hống hách” của mình ngày xưa, tôi áy náy vô cùng. Lại càng thấy mình có lỗi hơn vì đã chưa kịp nói với cô lời xin lỗi. Lỗi lầm ngày đó với cô, tôi vẫn nhớ, và tôi càng không quên bài học vị tha của cô. 

Mỗi ngày bước lên bục giảng, tôi vẫn muốn qua những bài học để nói với học sinh của mình rằng, văn chương giúp ta thanh lọc tâm hồn, yêu văn để yêu thêm cuộc sống, để bao dung và vị tha hơn… để những khi vấp ngã, ta dễ dàng “vịn câu thơ” mà đứng dậy.

Mười lăm năm rồi cô nhỉ? Mười lăm năm xa cô, tôi đã có quá nhiều những lần vấp ngã. Những lần như vậy, bên tai tôi lại văng vẳng lời cô. Phải đứng dậy thật vững vàng, cô tôi đã dạy như thế mà…
      

Nguyễn Thị Bích Nhàn
Bộ ba tác phẩm tản văn về Hà Nội
Bộ ba tác phẩm tản văn về Hà Nội

Bộ ba tác phẩm tản văn “Từ xa Hà Nội”, “Xa rồi ngày xanh”, “Chỉ còn tuyết trắng” của tác giả Mai Lâm với nỗi day dứt của một người sống xa quê. Sách do Nhà xuất bản Văn học xuất bản và phát hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN