Mát lành món cháo khoai lang ngày hè

Xa quê đã lâu, và mỗi khi mùa hè tới, thì trong muôn vàn nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ các món ăn đồng quê dân giã mà mẹ chế biến trong các bữa ăn sinh hoạt hàng ngày, trong tôi vẫn luôn nôn nao thèm muốn một nồi cháo khoai lang ngon ngọt mát lành. Đây là món cháo được biến tấu từ cách chế biến của người dân quê nghèo, nhất là dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, vì thế nó chỉ có thể xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của người dân quê mà thôi.


Ngày tôi còn nhỏ xíu, trong làng tôi nhà nào cũng trồng rất nhiều khoai lang vào vụ đông. Trước khi ăn Tết Nguyên đán, các thửa khoai đều được đào lên để lấy đất chuẩn bị cho vụ cấy lúa chiêm xuân. Khi đó, gạo thường không thể đủ ăn cho cả năm, nên mấy tháng đầu năm, và cả giai đoạn chớm hè, khoai lang là loại lương thực chủ đạo chống đói của gia đình tôi. Một phần khoai lang được để dành để ăn tươi, một phần khoai khác mẹ đem thái mỏng theo kiểu con chì, rồi phơi khô, bỏ chum sành trữ dùng ăn dần. Vì ngày nào cũng ăn khoai hoài, nào là khoai lang mang luộc, khoai lang hấp cơm nên rất ngán. Chính vì ngán nên các gia đình ở thôn quê đã nghĩ ra cách làm thế nào đó để chế biến món khoai lang cho khác với thông thường đi để ăn cho đỡ ngán, và thế là món cháo khoai lang ra đời!

Cháo khoai lang thường có hai loại, tương ứng với khoai củ tươi và khoai thái phơi khô. Đối với món cháo khoai lang củ tươi thì cách chế biến cực kỳ đơn giản và ai cũng có thể nấu được ngay, nếu như chỉ nhìn qua một lần. Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch thái thật to, khi củ khoai chỉ cần bổ ra làm đôi, làm ba là được. Thậm chí, nếu lười bổ có thể để nguyên cả củ cũng không sao. Khoai bỏ vào nồi, đổ nước cho ngập rồi nổi lửa đun cho chín thật nhừ mới thôi. Khi khoai đã chín nhừ, dùng đũa cái hay muôi lớn đánh, dầm cho các củ khoai lang nhuyễn ra, đến khi bột khoai sánh với nhau là được. Món cháo loảng, hay đặc là tùy thuộc vào lượng khoai nhiều hay ít. Bắc nồi xuống, múc ra tô, quạt cho cháo nguội rồi thưởng thức. Vị ngọt nhẹ của khoai lang không quá gắt khiến cho người ăn cảm thấy món cháo rất vừa, không quá lạt và cũng không quá ngọt. Tuy nhiên, nếu ai hám ngọt có thể bỏ thêm chút đường kính trắng. Đây là món cháo khoai suông, nhưng nếu nêm thêm vào đó chút đậu đen, hay đậu đỏ thì tuyệt ngon, bổ, mà màu sắc của món cháo cũng thêm phần hấp dẫn. Tuy vậy, khi đó nghèo nên chẳng mấy nhà có đậu đỗ để nấu kèm, mà chỉ nấu món cháo khoai suông mà thôi.

Còn với món cháo khoai lang khô, cung cách nấu cũng y chang như nấu với củ khoai lang tươi, nghĩa là rửa sạch các lát khoai khô rồi bỏ nồi, đổ nước đun trên lửa cho thật nhừ. Cũng có thể nấu khoai suông hoặc nêm kèm thêm đậu đỗ. Tuy vậy, dù có ninh nhừ đến đâu thì các lát khoai khô khó tan nhuyễn và món cháo khó có độ sánh mịn như nấu khoai lang tươi, bởi các lát khoai khô vẫn giữ nguyên hình dạng. Việc đánh, dầm chúng nhuyễn ra là rất mất công, rất lâu, vì vậy mà thường người ta cứ để như thế mà ăn. Chẳng thế ăn món cháo khoai lang khô có cảm giác nhộn nhạo, không mát, không ngon như cháo khoai lang nấu bằng củ tươi.

Cháo khoai lang là món ăn mát lành - món của người dân nghèo thôn quê trong những dịp nắng nóng mùa hè. Món cháo bình dị và rẻ tiền này đã gắn bó và đi cùng với suốt chiều dài tuổi thơ tôi nghèo khó, vì vậy việc đôi lúc nôn nao thèm muốn món ăn này cũng là dễ hiểu...

Nguyễn Long
Cẩn trọng với thực phẩm chức năng
Cẩn trọng với thực phẩm chức năng

“Thực phẩm chức năng (TPCN) bán đắt hơn cả thuốc, cung không đủ cầu”, đó là chia sẻ của một chủ cửa hàng thuốc tây. Thật vậy, hầu hết các nhà thuốc tây hiện nay đều có bán thực phẩm chức năng với tỉ lệ 1/3 so với thuốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN