06:23 03/06/2012

Bản án của ông Mubarak tiếp tục gây bất ổn tại Ai Cập

Theo báo "Bưu điện quốc gia" ngày 2/6, bản án dành cho cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak có khả năng châm ngòi thêm bạo lực và thậm chí là cả một cuộc “cách mạng” nữa tại quốc gia vốn đã phân cực này, trong bối cảnh căng thẳng chính trị đang âm ỉ trước cuộc bầu cử tổng thống vòng hai sắp tới.

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canađa) ngày 2/6, bản án dành cho cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak có khả năng châm ngòi thêm bạo lực và thậm chí là cả một cuộc “cách mạng” nữa tại quốc gia vốn đã phân cực này, trong bối cảnh căng thẳng chính trị đang âm ỉ trước cuộc bầu cử tổng thống vòng hai sắp tới.


 

Người biểu tình Ai Cập tụ tập ở quảng trường Tahrir ngày 2/6/2012, ngay sau khi tòa án ra phán quyết với cựu Tổng thống Mubarak. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại phiên tòa ngày 2/6, ông Mubarak cùng với cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el - Adly bị kết án tù chung thân vì âm mưu giết người biểu tình trong cuộc nổi dậy hồi tháng 1 - 2/2011. Tuy nhiên, ông Mubarak được tuyên trắng án đối với tất cả các tội danh liên quan tới tài chính. Hai người con của ông Mubarak là Gamal và Alaa Mubarak cùng với 6 sỹ quan cao cấp khác đều được tuyên trắng án. Trong tiến trình xét xử, phiên tòa này đã làm tăng thêm căng thẳng trong một giai đoạn chuyển tiếp vốn đã hỗn loạn dưới sự giám hộ của những viên tướng quân đội. Lý do là bởi nhiều người tin rằng tiến trình này chỉ là vở kịch để xoa dịu những người biểu tình yêu cầu ông Mubarak phải trả giá về những hành động của ông ta.


Những người trung thành với ông Mubarak thường giao tranh ở bên ngoài tòa án với thân nhân của những người biểu tình bị thiệt mạng. Bản án dành cho ông Mubarak được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức bầu cử tuyên bố rằng ông Ahmed Shafiq, Thủ tướng cuối cùng dưới thời ông Mubarak, là một trong hai ứng cử viên được vào vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống, cùng với ứng cử viên của tổ chức Anh em Hồi giáo Mohamed Mursi.


Việc ông Mursi được vào vòng hai khiến nhiều người Ai Cập quan ngại rằng ông có thể đưa thêm tôn giáo vào chính phủ nếu ông giành chiến thắng. Số khác sợ rằng tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Mursi có thể trở thành một chế độ độc tài mới, một khả năng đang được một số phương tiện truyền thông chính thức tích cực tuyên truyền.


Nhưng bản thân việc ông Shafiq lọt vào vòng hai cũng khiến nhiều người lo ngại bởi vì ông này có thể "nhẹ tay" với những nhân vật thuộc chế độ cũ, "tha bổng" cho ông Mubarak, các con trai của ông này và những nhân vật đang bị giam giữ để chờ xét xử khác. Họ cũng sợ ông Shafiq làm sống lại liên minh giữa chính phủ và giới kinh doanh thời Mubarak bị đông đảo người dân căm ghét. Ông Shafiq đã vận động tranh cử theo một cương lĩnh chống những người nổi dậy, thường xuyên đưa ra những phát biểu làm mất uy tín những nhóm thanh niên đứng đằng sau cuộc nổi dậy đầu năm 2011. Tuy nhiên, ông Shafiq đã thay đổi chiến thuật sau khi giành được vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một, khi ca ngợi "cuộc cách mạng vẻ vang" và lịch sử sẽ không quay lại.


Negad Borai, một luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền, nhận xét: "Di sản Mubarak đang tiếp tục ảnh hưởng đến chính trường Ai Cập. Thời gian 15 tháng kể từ khi ông này bị lật đổ không đủ để khiến người ta quên lãng. Sau 30 năm cầm quyền, ít nhất phải mất hơn 5 năm, người ta mới thôi nhắc đến Mubarak".


Trên nhiều phương diện, cuộc quyết đấu Mursi - Shafiq đang phản ánh sự thù địch giữa ông Mubarak và tổ chức Anh em Hồi giáo trong 3 thập kỷ qua. Một chiến thắng của ông Mursi sẽ hiện thực hóa lời tiên tri thường được ông Mubarak lặp đi lặp lại rằng Anh em Hồi giáo sẽ tiếp quản Ai Cập sau khi ông ra đi. Người dân Ai Cập vẫn còn bị cuốn hút bởi những gì ông Mubarak nói và làm.


Phiên tòa xét xử ông Mubarak, được bắt đầu 10 tháng trước đây, dường như sẽ được nhớ đến như một sự kiện trong cuộc nổi dậy "Mùa xuân Arập" đã tràn qua Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng theo các chuyên gia tư pháp, tiến trình này không "hoàn hảo". Phiên tòa được tổ chức trong một bầu không khí "tích điện". Các luật sư đại diện cho các gia đình nạn nhân hành động một cách hỗn loạn và luận cứ của công tố viên nói chung bị xem là yếu kém.


Phán quyết ngày 2/6 có thể kích động một vòng biểu tình nữa trên đường phố, khi chiến dịch vận động tranh cử cho vòng bỏ phiếu thứ hai bắt đầu. Cuộc bầu cử tổng thống vòng hai được coi là sự lặp lại cuộc chiến chính trị đã kéo dài suốt kỷ nguyên Mubarak. Ông Shafiq được xem là sự tiếp nối chế độ của ông Mubarak, và đối với nhiều người, là sự tiếp tục cầm quyền của giới quân sự. Trong những ngày qua, những người biểu tình đã trở lại Quảng trường Tahrir, trung tâm của cuộc “cách mạng”, và hô vang những khẩu hiệu chống lại cả ông Mursi lẫn Shafiq. Bản án đối với ông Mubarak dường như không thể kết thúc tình trạng bất ổn tại Ai Cập. Việc kháng cáo chống lại bất kỳ quyết định nào đều có thể kéo dài trong nhiều năm.


Thanh Hoa