05:15 16/05/2011

Bài học bao dung

Hai mẹ con đang đi trên đường thì bỗng từ đâu, một người ăn xin già bước tới giơ đôi tay nhớp nhúa bụi cát ra trước mặt mẹ, xin tiền.

1- “Ui giời, đi ra kia đi. Bẩn quá”.


Hai mẹ con đang đi trên đường thì bỗng từ đâu, một người ăn xin già bước tới giơ đôi tay nhớp nhúa bụi cát ra trước mặt mẹ, xin tiền. Mẹ nhìn ông ta, dáng người tiều tụy, áo rách tả tơi, thương quá định lấy từ trong ví ra vài đồng tiền lẻ biếu cụ thì bị con gái ngăn lại.


Và rồi con xùy tay ra phía trước đuổi quầy quậy người ăn xin nọ. Con bảo mẹ: Mẹ đừng có thương người vớ vẩn. Lão ý lừa đấy. Bây giờ loại ăn xin lòng tốt thiếu gì hả mẹ. Nghe con nói vậy, mẹ không có ý tranh cãi cùng con. Điều con nói có thể đúng.


Nhưng mẹ lại muốn nghĩ rằng, trong cuộc đời, bên cạnh những điều xấu vẫn có những điều tốt. Vậy tại sao con không nghĩ đến mặt tích cực, có thể ông cụ kia là người khó khăn thật.


Với mẹ có thể chỉ là vài đồng lẻ nhưng biết đâu với ông cụ, đó lại là cả một gia tài trong lúc đói lòng. Có thể lòng tốt của mình bị lợi dụng nhưng ngược lại biết đâu mẹ con mình đã làm một việc có ích để cho cuộc đời này đẹp hơn lên.


2- Mẹ rủ con đi chợ. Con chạy tọt vào nhà lấy cái cân. Con bảo bây giờ ra chợ là phải mang theo cân chứ không tin ai được.


Hôm đó trời mưa. Hàng hóa ướt xượt. Con xà vào hàng rau. Bác bán hàng là một người đã lớn tuổi, chắc chở rau từ xa đến đang co ro trong cơn mưa lạnh. Con dùng hai ngón tay nhón lấy mớ rau vì sợ bẩn.


Đảo một hồi, con nhặt một mớ bỏ vào làn rồi để nguyên “bãi chiến trường”, con đứng lên, rút tiền thả xuống rồi đi thẳng.


Ra đến hàng cá, con chọn một con rồi nháy mắt với mẹ để cho chị bán hàng thoải mái cân đong. Xong rồi, con mới từ từ rút cái cân trong túi ra, miệng không quên dọa dẫm: “Tôi cân lại, bà mà cân điêu là không xong đâu đấy”.


Xét về tuổi đời, con chỉ bằng em gái của chị bán cá. Nhưng, con cứ nghĩ, mình là khách hàng, mình có tiền nên mình là thượng đế.


Đến hàng táo, em bán hàng lướt thướt trong chiếc áo mưa đã rách táp, cô bé nài nỉ mong con mua nốt hàng để về nhà. Con lạnh lùng đáp:


“Mày bán rẻ chị mới mua. Không thì cứ đứng tới tối đi nhé”.


Chẳng còn cách nào khác, em bé đành bán rẻ táo cho con, miệng không ngớt xuýt xoa tiếc rẻ vì chợ mưa, hôm nay lỗ vốn. Mẹ đứng bên cạnh, nói con đưa thêm cho cô bé bán hàng một hai nghìn đồng, nhưng con quay ngoắt sang bảo: “Vớ vẩn, tiền có phải vỏ hến đâu mẹ”.


3- Con nói thế thì mẹ chịu. Nhưng, mẹ biết rằng, trong tủ quần áo của con, có hàng chục bộ quần áo, có những bộ con mua chỉ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm rồi sau đó chẳng bao giờ đụng đến một lần.


Vào bữa cơm, nếu không có món con thích, con có thể bỏ dở cả bát cơm vừa ăn được một hai miếng mà không một chút xót xa. Con không hiểu rằng, con đang lãng phí rất nhiều nhưng con lại quá chi li trong việc giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình.


Mẹ chưa bao giờ nói những lời xỗ xàng và chọn hàng theo kiểu bề trên với những người bán hàng như cách mà con mẹ đã làm. Mẹ cũng sẽ mua nốt chỗ táo giúp em bé kia.


Mẹ có thể sẽ nhận về mình một chút thiệt thòi nhưng bù lại, mẹ biết rằng, có thể tặng thêm một nụ cười cho những người bán hàng lam lũ, đang phải vật lộn với cuộc sống.


Mẹ luôn mong rằng, con gái của mẹ khi lớn lên sẽ học được bài học bao dung, biết yêu thương mọi người. Bởi khi ta cho đi tình yêu thì sẽ được nhận về sự thanh thản và rất nhiều tình cảm ấm áp, để thấy cuộc đời dường như tươi đẹp hơn...


Theo TGPN