11:09 27/11/2010

Bài cuối: Di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm: Bài toán khó

Tốc độ đô thị hóa nhanh, ngoại thành chẳng mấy chốc trở thành khu dân cư đông đúc. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm chẳng biết về đâu?

Tốc độ đô thị hóa nhanh, ngoại thành chẳng mấy chốc trở thành khu dân cư đông đúc. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm chẳng biết về đâu?

Chính quyền xử lý nhẹ tay

Nhiều năm nay, người dân đường Phong Phú, phường 12, quận 8, liên tục phải chịu tiếng ồn từ một lò sản xuất bánh mỳ. Phản ánh với PV, ông Trần Anh cho biết: Cái lò bánh mỳ này hoạt động như một cái chợ từ 1 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều, tiếng ồn, khói bụi và sức nóng từ lò “tỏa” ra khiến cho bà con xung quanh không thể nào ngủ được. Những người dân nơi đây đều mắc bệnh hô hấp vì khói bụi. Chúng tôi đã mời Viện Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Bảo hộ lao động đến khảo sát. Kết quả, tại thời điểm lò bánh mì đang hoạt động vào ngày 11/4/2009, nhiệt độ là 35 đến 36 độ, cao hơn 3 đến 4 độ so với tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp.

“Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần với cơ quan chức năng và địa phương nhưng đều không có sự giải đáp thỏa đáng. Cho đến nay, lò bánh mì trên vẫn hoạt động”-ông Trần Anh cho biết.

So với các cơ sở gây ô nhiễm khác, hậu quả về môi trường mà lò bánh mì này gây ra không phải là lớn so với các cơ sở sản xuất khác. Tuy nhiên, chuyện lò bánh mỳ minh chứng cho việc chậm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn TP.HCM, theo một chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường Hóc Môn, để xử lý các trang trại nuôi heo gây ô nhiễm thật không dễ chút nào vì đây là vùng nằm trong khu quy hoạch nông nghiệp. Cơ quan chức năng chỉ có thể vận động họ xây dựng hầm biogas xử lý nước thải, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ không chấp hành.

Di dời cơ sở ô nhiễm - bài toán khó

Khi được hỏi về việc di dời các lò gạch tại quận 9, đa số các chủ lò gạch đều cho biết, họ sẵn sàng di dời nếu Nhà nước thống nhất được mức đền bù hợp lý. Trước đây, phường nhiều lần mời họ lên để thông báo việc giải tỏa, di dời lò gạch ra khỏi khu vực. Hiện tại, phường đã có thông báo đến các chủ lò gạch về việc di dời vào cuối năm nay nhưng trong thông báo không đề cập đến mức đền bù cụ thể cũng như địa điểm bố trí tái sản xuất. Ông Bình, một chủ lò gạch cho biết, mỗi lò gạch thuê từ 13-15 công nhân làm việc và đây là nguồn thu chính cho gia đình họ nên khi di dời, đề nghị cơ quan chức năng sớm bố trí địa điểm sản xuất mới để người lao động có nguồn thu, ổn định cuộc sống.


Ông Võ Trí Dũng, Chủ tịch UBND phường Long Bình cho biết: “Trong phường còn gần 80 lò gạch đang hoạt động, tuy nhiên phường rất khó giải quyết việc di dời vì giấy phép của các lò gạch, bãi than, nhà máy sản xuất nguyên liệu xi măng là do thành phố cấp. Bên cạnh đó, diện tích đất đặt lò gạch một phần là của tư nhân, một phần do người dân thuê của Nhà nước nên việc giải tỏa, đền bù cũng không hề dễ dàng”. Ông cho hay, theo thông báo của thành phố, chậm nhất là cuối năm nay sẽ yêu cầu các chủ lò gạch ngưng hoàn toàn việc sản xuất. Về vấn đề bố trí tái sản xuất, phường sẽ phối hợp với thành phố để sớm tìm ra địa điểm mới trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường.

Trong nỗ lực làm sạch môi trường sống, hai năm qua huyện Bình Chánh đã buộc ngưng hoạt động sản xuất và di dời 300 doanh nghiệp. Thế nhưng vấn đề đau đầu của lãnh đạo huyện là chuyện khắc phục hậu quả ô nhiễm. Hiện tại huyện có hai cụm công nghiệp Lê Minh Xuân và Vĩnh Lộc và 496 công ty TNHH, 110 doanh nghiệp tư nhân, 770 hộ sản xuất kinh doanh nhưng hầu hết thuộc những ngành nghề phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường do sử dụng công nghệ lạc hậu, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải không có (hoặc có nhưng ít) nên chủ yếu là xả thải trực tiếp ra môi trường.

Di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm là chương trình lớn của TP.HCM được thực hiện từ năm 2002. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư gây nên những hệ quả xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

SĨ DŨNG - VĂN HÀO