08:06 08/08/2014

Bài chòi trên đường thành di sản thế giới - Bài cuối: Những giá trị văn hóa cần lưu giữ

Với những giá trị về văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nên hát bài chòi trong dân gian vẫn tồn tại và có sức sống mạnh mẽ cho đến ngày nay. Đây cũng chính là cơ sở để Việt Nam xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Với những giá trị về văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nên hát bài chòi trong dân gian vẫn tồn tại và có sức sống mạnh mẽ cho đến ngày nay. Đây cũng chính là cơ sở để Việt Nam xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân, trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân miền Trung, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp Tết mà còn ở các lễ hội của địa phương. Hội bài chòi luôn được người dân miền Trung đưa vào hàng đầu danh sách những trò chơi “Vui xuân” tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Mỗi khi có hội chơi bài chòi là người dân trong vùng lại nô nức kéo nhau đến tham gia. Và hô bài chòi cũng dần trở thành một thể loại dân ca độc đáo của người dân khu vực Nam Trung Bộ.

 

Hội đánh bài chòi ở Hội An (Quảng Nam). Ảnh: baoquangnam.com.vn

Bên cạnh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, hát bài chòi còn mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người... thông qua những câu hô hát (còn gọi là câu Thai).


Thông qua nội dung của những câu hát, ta có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng... theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Như lời trong câu hát: “Đầu năm khấn vái tổ tiên/Cầu cho gia đạo bình yên, thuận hòa/Cầu cho sức khỏe mẹ cha/Cầu cho thôn xóm cửa nhà yên vui/Cầu cho con cái nên người/Cầu cho khoai lúa tốt tươi bời bời...”. Câu hát cho thấy, ước nguyện của người dân nơi đây thật tuyệt vời, thật nhân văn, cao cả. Họ không chỉ mong may mắn cho mình, mà còn mong may mắn cho cả thôn, xóm gần xa.


Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật bài chòi còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn. Những nghệ nhân bài chòi đã mượn những bài ca dao để dăn dạy con cháu mình về lòng nhân ái, tình yêu đất nước, quê hương, về sự yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, nâng đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, như: “Ông cha từng dạy rất nhiều/Lá lành... lá rách, nhiễu điều... giá gương/Làm người phải biết yêu thương/Xóm thôn, đất nước, quê hương, đồng bào/Giúp người giữa lúc lao đao/Phước dày hơn cả sóng trào biển đông/Bầu ơi, thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hay phê phán những kẻ bạc tình vô ơn: “Hồi nào đói rách có qua/Bây giờ nên xưởng nên nhà lại lơ”...


GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Cố vấn Hội đồng xây dựng hồ sơ di sản của nghệ thuật bài chòi khẳng định, giá trị văn hóa cũng như những ý nghĩa nhân văn, giáo dục sâu sắc của loại hình nghệ thuật này là những giá trị dân gian đặc biệt của nghệ thuật hát bài chòi, nên nó vẫn sống mãi trong lòng người dân. Và đây chính là những giá trị độc đáo, đặc sắc để đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật hát bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


GS Hoàng Chương cho biết, thật may mắn là tuy phát triển nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng những hội hát bài chòi trong dân gian vẫn phát triển khá mạnh. Mặc dù ở nhiều địa phương loại hình nghệ thuật này đã không còn, nhưng ở Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa vẫn còn giữ được loại hình nghệ thuật này. Trong đó, Bình Định còn nhiều nhất, với hơn 10 CLB hội đánh bài chòi. Chính vì vậy, Bộ VHTTDL quyết định giao Bình Định làm đơn vị chủ trì lập hồ sơ di sản. Hiện nay, các chuyên gia tham gia trong ban soạn thảo, xây dựng hồ sơ đã về Bình Định nghiên cứu. Tới đây, sẽ tổ chức hội thảo quốc gia về bài chòi, mời các chuyên gia UNESCO tham dự, sau đó sẽ thẩm định nghệ thuật là di sản sáng tạo của nhân dân lao động.


Trong quá trình xây dựng hồ sơ, theo GS Hoàng Chương, khó khăn mà chúng ta gặp phải hiện nay là do ảnh hưởng chiến tranh, nhiều địa phương đã không còn hình thức sinh hoạt hội đánh bài chòi dân gian. Lớp nghệ nhân hát bài chòi cổ ngày càng ít ỏi do tuổi cao, sức yếu. Hiện nay, mỗi tỉnh chỉ còn từ 1 - 2 nghệ nhân biết hát bài chòi cổ, mà đều đã ở độ tuổi 80 - 90, việc khai thác và đề nghị biểu diễn lại bị hạn chế. Thêm vào đó, kinh phí để sưu tầm những bài hát cổ còn hạn chế. Thêm vào đó, lãnh đạo nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng loại hình nghệ thuật này, chưa có chính sách hỗ trợ cũng như động viên các nghệ sỹ, nghệ nhân.


GS Hoàng Chương cho biết, theo lộ trình, từ nay đến tháng 12/2014 sẽ hoàn thiện hồ sơ để gửi tới UNESCO, công nhận nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến năm 2015, tổ chức UNESCO sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ, và đến năm 2016 sẽ đưa ra xét duyệt.

Phương Lan