08:05 10/08/2012

'Bác sỹ da cam' nơi biên giới

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu, trong những gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Từng ngày, từng giờ họ phải gồng mình đối mặt với những di chứng của chất độc da cam/điôxin cùng những khó khăn của cuộc sống thường nhật.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu, trong những gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Từng ngày, từng giờ họ phải gồng mình đối mặt với những di chứng của chất độc da cam/điôxin cùng những khó khăn của cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, họ vẫn luôn toát lên nghị lực mạnh mẽ, ý chí vươn lên vượt qua khó khăn, vất vả.


 

Cựu chiến binh Hoàng Quang Minh đang bốc thuốc tại phòng khám đông y.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Hoàng Quang Minh, 65 tuổi, người dân tộc Tày, ở số 15/4, khối 8, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Trong căn nhà đơn sơ nằm tại khối 8, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là thân hình gầy guộc và một khối u to nằm trên gò má người con trai thứ 2 của ông, cũng như sự còi cọc của đứa cháu gái, do di chứng của chất độc da cam.


Ông Minh kể: Nhập ngũ từ tháng 4/1964, đến năm 1969, khi tham gia một trận đánh trên địa bàn huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) ông trúng đạn M79 và chịu sức ép của bom, bị thương nặng, phải ra miền Bắc điều trị. Sau khi điều trị lành vết thương, ông chuyển ngành, về công tác ở cơ quan cơ khí nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn và lập gia đình.


“Vợ chồng tôi sinh được 3 cháu thì cả ba đều bị nhiễm chất độc da cam”, đôi mắt đượm buồn, ông Hoàng Quang Minh chia sẻ. “Khi mới sinh, chúng đã là những đứa trẻ còi cọc. Sau vài năm, sức khỏe của các con tôi ngày càng yếu dần, chậm chạp và trí nhớ cũng suy giảm. Nhìn các con, chúng tôi cảm thấy đau xót lắm, nhưng không biết làm thế nào... Vợ chồng tôi không tiếc công sức, tiền của có được từ đồng lương ít ỏi của mình để chạy chữa cho các con nhưng vô vọng. Sau này các con của tôi lập gia đình riêng thì các cháu của tôi cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin”.


Nhưng những vất vả khó khăn đó không lung lay được ý chí ông. Với nghề thuốc đông y cổ truyền lâu đời của gia đình, ông đã tham gia khám và điều trị bệnh cho nhân dân ở địa phương và các tỉnh bạn. Bên cạnh việc khám và điều trị bệnh cho mọi người bằng thuốc đông y, ông cũng tham gia điều trị bệnh cho nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị mắc bệnh nan y. Nhiều trường hợp được ông chữa khỏi bệnh và không lấy bất cứ một khoản tiền điều trị nào.


Cầm trên tay cuốn sổ dày ghi tên và địa chỉ của những bệnh nhân đã và đang điều trị, ông cho biết: “Có rất nhiều bệnh nhân từ các tỉnh đến đây để điều trị bệnh bằng thuốc đông y, nhiều người đã khỏi bệnh và gọi điện cảm ơn. Niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của tôi là mỗi khi nhận điện của người bệnh do mình điều trị báo tin là họ đã khỏi bệnh”.


Ông Chu Việt Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin cho biết: Ông Hoàng Quang Minh là một cựu chiến binh tiêu biểu, luôn nỗ lực và cố gắng vươn lên thoát nghèo, giúp ích cho gia đình và xã hội. Ông là Trưởng ban công tác mặt trận khối 8 trong suốt hơn 20 năm qua và là Chủ tịch Hội Đông y phường Tam Thanh (từ năm 2005 - nay). Ông đã nhận được nhiều bằng khen của các cấp về công tác chữa bệnh đông y và công tác mặt trận của khối, được đồng nghiệp và mọi người thực sự quý trọng và khâm phục.



Bài và ảnh: Thắng Trung