10:15 07/10/2023

Bác sĩ hướng dẫn theo dõi giai đoạn dễ bị nặng khi mắc sốt xuất huyết

Giai đoạn ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết. Người bệnh cần hết sức chú ý theo dõi sức khoẻ.

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo: "Khi mắc sốt xuất huyết, trong khoảng 4 ngày đầu, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, nhưng chưa có những triệu chứng rầm rộ; thời kỳ này chưa phải nặng nhất của sốt xuất huyết, nhưng đây là giai đoạn phát hiện và theo dõi các biến chứng. Giai đoạn ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất; người bệnh cần hết sức chú ý theo dõi vì rất dễ rơi vào sốc, có các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu...".

BS Phạm Văn Phúc khuyến cáo, để tránh những biến chứng, bệnh nhân khi đã được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết cần phải tuân thủ điều trị để có thể phát hiện, điều trị kịp thời, đúng thời điểm, người bệnh không chủ quan khi thấy đỡ sốt, mà vẫn theo dõi sát để sớm phát hiện các biến chứng.

Trong thời gian điều trị sốt xuất huyết, người bệnh nên bù nước, điện giải bằng đường uống như uống Oresol, hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.

Giao đoạn sau ngày thứ 3 - ngày thứ 7, người bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ có bị tăng nặng hay không (như Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao).

Khi có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: Người bệnh khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

Đặc biệt, trong thời gian cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết như hiện nay, người dân khi có triệu chứng như: Sốt, đau người, mệt mỏi nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nhất, theo dõi và tránh được các biến chứng nặng.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức