10:06 18/10/2014

Bác sĩ gia đình giúp giảm tải bệnh viện - Bài cuối

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) trong thời gian tới.

Thưa Thứ trưởng, làm thế nào có thể lồng ghép thêm mô hình BSGĐ tại trạm y tế mà vẫn đạt hiệu quả như mong đợi? Bởi lẽ, nhiều BSGĐ phản ánh, hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có 5 - 8 cán bộ nhưng phải triển khai hàng chục chương trình y tế, trạm trưởng thường là bác sĩ duy nhất ở đây cũng hay vắng mặt do đi họp, tập huấn, trong khi cơ sở vật chất vẫn thiếu thốn...

Phát triển mô hình BSGĐ tại các trạm y tế chỉ là 1 trong 3 mô hình mà Bộ Y tế thí điểm triển khai, bên cạnh phòng khám tư nhân và bệnh viện đa khoa nhà nước.

Bác sĩ Trạm y tế xã Dục Tú khám sức khỏe cho người dân tham gia mô hình BSGĐ.Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Riêng về trạm y tế, đúng là nhân lực tại đây đang thiếu, phần lớn các trạm y tế chỉ có 1 BS nên có nhiều ý kiến lo ngại nếu lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Bộ Y tế đã thấy rõ vấn đề này nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện vì đã có những giải pháp vừa nâng cao hiệu quả của mô hình BSGĐ, vừa tạo điều kiện để BS tại các trạm y tế nâng cao trình độ chuyên môn. Cụ thể, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương tăng cường luân phiên cán bộ xuống tuyến dưới để bảo đảm công tác khám chữa bệnh trong lúc BS tuyến dưới đi học, tập huấn hoặc đi họp. Như vậy, không có nghĩa cán bộ tuyến trên lúc nào cũng phải ngồi tại trạm y tế, việc khám chữa bệnh có thể triển khai linh hoạt bằng cách hẹn bệnh nhân tới khám khi có cán bộ tuyến trên về hỗ trợ.

Về đầu tư cho trạm y tế xã, hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn chỉnh Đề án: “Tăng cường y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” để trình Chính phủ, Bộ Chính trị trong năm 2014. Mục tiêu của các đề án là tăng cường năng lực cho trạm y tế xã và y tế tuyến huyện, bao gồm cả nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ và cung cấp thuốc thiết yếu.

“Hiện nay, trạm y tế là đơn vị tuyến dưới của BV huyện hoặc trung tâm y tế huyện nên các chế độ chính sách thường được hưởng thấp hơn. Do đó, Bộ Y tế đang xem xét về việc“nâng” vị trí trạm y tế lên thành một bộ phận của hệ thống y tế huyện. Như vậy, các chế độ mà trạm y tế được hưởng sẽ được nâng lên, thu nhập của cán bộ y tế tại đây cũng sẽ tốt hơn”.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế

Thông tư quy định BSGĐ được phép chuyển vượt tuyến nhưng hiện nay quy định chung vẫn phải khám chữa bệnh đúng tuyến thì bệnh nhân mới được hưởng BHYT, vậy đâu là "hành lang" cho vấn đề này, thưa Thứ trưởng?


Bộ Y tế đang xây dựng thông tư về chuyển tuyến, trong đó những quy định riêng áp dụng cho mô hình BSGĐ. Hướng của Bộ Y tế là mở rộng dịch vụ, kỹ thuật đối với tuyến dưới (nếu cán bộ y tế đủ khả năng, đề xuất mở rộng và được Sở Y tế thẩm định, cho phép), đồng thời BSGĐ có trách nhiệm chuyển tuyến phù hợp, thậm chí vượt cấp đối với những bệnh nhân vượt quá khả năng chuyên môn khi cần thiết; trong trường hợp này, người bệnh tham gia BHYT vẫn được hưởng mọi quyền lợi theo quy định.

Nhiều phòng khám tư muốn triển khai mô hình BSGĐ nhưng lại không có cán bộ học chuyên ngành này như quy định tại Đề án về BSGĐ, Bộ Y tế sẽ tháo "nút thắt" này như thế nào?

Bộ Y tế vừa ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ trước năm 2016 thì cần phải có bằng tốt nghiệp BS đa khoa và giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành y học gia đình có thời gian tối thiểu 3 tháng do cơ sở đào tạo được Bộ hoặc Sở Y tế công nhận cấp. Như vậy, các BS đa khoa tại các phòng khám tư chỉ cần đi học thêm 3 tháng là sẽ được cấp giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cho thời kỳ quá độ - giai đoạn chưa có đủ nhân lực được đào tạo bài bản theo chuyên khoa về y học gia đình; sau năm 2016, những người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp BS đa khoa và 1 trong các văn bằng chuyên khoa cấp I, cấp II, thạc sỹ, tiến sỹ về y học gia đình hoặc chứng chỉ đào tạo định hướng chuyên khoa y học gia đình.

Việc đào tạo BSGĐ sẽ được đẩy mạnh như thế nào trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Để triển khai hiệu quả Đề án BSGĐ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục củng cố, phát triển các đơn vị đào tạo y học gia đình đã có, đồng thời sẽ thành lập mới các đơn vị đào tạo chuyên ngành này ở các trường đại học y, dược trong cả nước. Cải tiến nội dung chương trình và phương thức đào tạo; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho những người hành nghề tại các phòng khám BSGĐ thuộc mô hình thí điểm. Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực cho chuyên ngành y học gia đình.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Phương Liên (thực hiện)