04:09 15/04/2011

Ba nỗi lo của điền kinh Việt Nam

Từng là một trong những thế mạnh mỗi khi tham dự sân chơi khu vực, thế nhưng cả ba nội dung nhảy xa, nhảy cao và chạy cự ly dài đã dần mất đi vị thế khi thiếu lực lượng kế cận và cách đầu tư không đúng.

Từng là một trong những thế mạnh mỗi khi tham dự sân chơi khu vực, thế nhưng cả ba nội dung nhảy xa, nhảy cao và chạy cự ly dài đã dần mất đi vị thế khi thiếu lực lượng kế cận và cách đầu tư không đúng.

Khoảng trắng nhảy cao

Tại SEA Games 25 ở Lào, nhà vô địch châu Á Bùi Thị Nhung không giành huy chương. Đó gần như là một dấu chấm hết với VĐV người Hải Phòng này khi cô đã bước sang tuổi “băm”. Sau gần một năm tập luyện với những nỗ lực cuối cùng, tấm HCV tại ĐH TDTT toàn quốc lần thứ 6 với thành tích 1m80 là món quà ý nghĩa trước khi nói lời chia tay sự nghiệp với Bùi Thị Nhung. Mừng cho Nhung bao nhiêu khi cô có một cái kết thật đẹp, nhưng cũng lo bấy nhiêu khi Nhung nghỉ thi đấu, bởi lớp kế cận còn quá ít và thành tích cũng không đáng kể. Trong khi đó với Nguyễn Duy Bằng, cho đến nay vẫn chưa ai “xô đổ” kỷ lục của anh, nhưng Duy Bằng cũng khó tham dự các giải đấu đỉnh cao được nữa khi đã quá tuổi.

Vẫn chưa có ai xô đổ kỷ lục của Nguyễn Duy Bằng, ngay cả khi anh không còn thi đấu đỉnh cao.


Tài năng Việt Anh của Bạc Liêu được xem là VĐV kế thừa, nhưng thành tích của Việt Anh lại có dấu hiệu chững lại do liên tục chấn thương. Đó là lý do mà tại ĐH TDTT toàn quốc Việt Anh đã không thể tham dự nội dung sở trường của mình. Trong khi đó, Huệ Hoa - VĐV người TP.HCM đã bước vào độ tuổi trưởng thành, nhưng thành tích còn thua xa Bùi Thị Nhung thời đỉnh cao phong độ. Đó là chưa kể đến thời điểm này, Huệ Hoa vẫn chưa hướng tập luyện theo nội dung sở trường nào, nhảy cao hay nhảy 3 bước. Trong khi đó, muốn nâng cao thành tích, gần như bắt buộc Huệ Hoa phải có chuyên gia nước ngoài kèm cặp. Theo đánh giá của trưởng bộ môn, kiêm tổng thư ký Liên đoàn điền kinh TP.HCM Nguyễn Trung Hinh, thành tích nhảy cao của Hoa dù có đạt mức 1,90m cũng chưa chắc đoạt HCV SEA Games. Quá khó để Huệ Hoa làm nên chuyện trong tương lai cho nhảy cao Việt Nam.

Nhảy xa: Chỉ còn là hoài niệm

Khoảng 1 thập kỷ trước, nhảy xa Việt Nam “nổi như cồn” ở SEA Games với lứa thế hệ của Bích Vân, Phan Thu Lan, Hồng Anh… nhưng đến bây giờ, nhảy xa chỉ còn được nhắc đến với sự tiếc nuối, hoài niệm. Những HLV nhảy xa còn nhớ như in, mỗi khi tham dự SEA Games, các VĐV nhảy xa lại được kỳ vọng rất lớn giành HCV. Thực tế là Nguyễn Bích Vân (Hà Nội) từng ngấp nghé chiếc HCV nhảy 3 bước tại SEA Games 20 và chỉ chịu thua huyền thoại người Philíppin E.Muros trong lần nhảy cuối. Phan Thị Thu Lan (Khánh Hòa) nổi tiếng hơn nhờ chiếc HCV nhảy xa tại SEA Games 21 và đó cũng là chiếc HCV nhảy xa nữ duy nhất của điền kinh Việt Nam. Từ đó đến nay đã qua vài thế hệ, thành tích 6m57 của Thu Lan vẫn chưa có ai phá được.

Vì sao nhảy xa Việt Nam cứ ngày một vắng bóng trên đấu trường khu vực? Đem câu hỏi này tới những người có trách nhiệm, thì câu trả lời vẫn trước sau như một: “Chúng ta thiếu nhân tố mới, ít đầu tư…”. Không hẳn là vậy, vấn đề nằm ở cách sử dụng con người. Những chuyên gia Nga đã không tạo ra một gương mặt VĐV nữ nào xứng tầm Nguyễn Bích Vân. Trong khi đó, những VĐV cự ly ngắn cũng hoàn toàn có khả năng tham dự nhảy xa, nhưng vì “ăn chắc mặc bền” nên chuyện ai nấy lo.

Chạy dài: Thiếu đầu tư

Cự ly dài từng là một trong những thế mạnh của điền kinh Việt Nam khoảng chục năm trước đây. Người hâm mộ điền kinh nước nhà không thể quên những Đoàn Nữ Trúc Vân (HCV SEA Games 23), Nguyễn Thị Hòa (HCB Marathon), Nguyễn Văn Toản (HCV cự li 5.000m vô địch điền kinh QG)… gần đây là những Bùi Thị Hiền, Phạm Thị Hiên... Thế nhưng, nếu như 2 cự ly ngắn và trung bình đang ngày càng được quan tâm, đầu tư, thì nội dung đường dài lại đang có nguy cơ mất trắng. Marathon cùng với 10 môn phối hợp là 2 nội dung khó “nuốt” nhất của điền kinh. Môn này không những đòi hỏi VĐV phải theo đuổi trong thời gian dài, mà nó đòi hỏi VĐV đó phải có tố chất đặc biệt về thể lực. Việc tập luyện trong 1 thời gian dài mới thu được thành tích nhất định khiến rất nhiều VĐV nản nòng chuyển sang các nội dung khác. Trong khi đó, sự quan tâm với các VĐV cự ly đường dài cũng chẳng đáng kể. Chế độ đãi ngộ kém, cơ sở vật chất lạc hậu, thiếu thầy giỏi và các giải đấu để cọ xát, khiến các VĐV cự ly dài ngày một teo tóp và không đủ sức cạnh tranh ở các giải đấu khu vực. Những người có tâm huyết với cự ly dài như HLV Bùi Lương có cái để mà lo lắng cho sự tồn tại và phát triển ở nội dung mà mình theo đuổi mấy thập kỷ qua.

A.C