07:15 10/07/2014

“Bà đỡ” cho người nghèo Cao Bằng

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững thông qua việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, liên kết sản xuất, liên kết thị trường và đầu tư các công trình hạ tầng nhỏ, Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng đã giúp hơn 1.300 hộ thoát nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống.

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững thông qua việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, liên kết sản xuất, liên kết thị trường và đầu tư các công trình hạ tầng nhỏ, Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng đã giúp hơn 1.300 hộ thoát nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống. Dự án được nhiều người dân tín nhiệm và gọi vui là “bà đỡ” của người nghèo.

Những ngày cuối tháng 6/2014, từ sự giúp đỡ của dự án, một số hộ thoát nghèo đã đứng ra thành lập hợp tác xã để làm ăn lớn hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đó là Hợp tác xã trồng rau an toàn xóm Tà Lạc, xã Hồng Đại, huyện Phục Hòa; Hợp tác xã chăn nuôi lợn Bản Láp 2, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng; Hợp tác xã miến dong Cốc Phường, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình.

Thoát nghèo nhờ rau an toàn

Nhờ sự giúp đỡ của Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo, những nông dân ở xóm Tà Lạc, xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa (Cao Bằng) đã tìm được hướng đi thoát nghèo vững chắc.


Xóm Tà Lạc, cách trung tâm huyện Phục Hòa gần 30 km, đường sá gập ghềnh đi lại khó khăn, ít tiềm năng phát triển kinh tế vì thế, trước đây, phần lớn các hộ ở đây đều thuộc hộ nghèo. Không sản xuất được hàng hóa gì để bán, nâng cao thu nhập, thỉnh thoảng bà con chỉ biết hái mấy mớ rau ăn không hết ở ngoài vườn mang ra chợ bán với tâm lý được đồng nào hay đồng ấy. Từ khi dự án được triển khai tại đây, cuộc sống bà con đã bước sang trang mới.

Qua khảo sát, dự án đã chọn trồng rau an toàn làm hướng đi chính thoát nghèo cho bà con, từ đó vận động bà con liên kết thành nhóm sở thích (nhóm cùng sản xuất một ngành hàng) và hỗ trợ nhau trồng, tiêu thụ sản phẩm. Dự án đã hỗ trợ kinh phí cho bà con đi tham quan, học tập các mô hình, mời những chuyên gia giỏi đến hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc rau theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, đồng thời hướng dẫn bà con cách tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các chợ xa hơn, thị trường lớn hơn. Nhờ đó, sau 2 năm, đã có 9 trên tổng số 20 hộ nghèo của nhóm thoát nghèo.

Không dừng lại ở đó, được sự tư vấn, động viên khuyến khích của dự án, đầu năm 2014, nhóm sở thích Tà Lạc quyết định “nâng cấp” nhóm sở thích lên thành hợp tác xã, quyết tâm làm ăn lớn hơn. Sự quyết tâm này được Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn Cao Bằng hỗ trợ xây dựng 440m mương dẫn nước (công trình quy mô nhỏ - người dân tự thực hiện), Dự án VIE/029 (do Chính phủ Luxembourg tài trợ) hỗ trợ làm 9 nhà lưới tổng trị giá 240 triệu đồng, mỗi nhà rộng 160 m2, có hệ thống tưới nước phun sương tự động. Đây là sự ủng hộ thiết thực giúp bà con xã viên đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Với trình độ sản xuất như hiện nay, ước tính mỗi nhà lưới sẽ cho thu nhập ít nhất 40 triệu đồng/năm, nếu nâng trình độ thâm canh lên cao, trồng nhiều loại rau có giá trị, mỗi nhà lưới có thể cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Chị Bế Thị Vinh, Giám đốc Hợp tác xã phấn khởi cho biết: Hợp tác xã đang nghiên cứu trồng các loại cây rau có giá trị cao hơn như giống cà chua Bio K002, HT16…, tìm kiếm mở rộng thị trường ra thành phố và thời gian tới sẽ trồng thêm các loại hoa (hoa ly, hoa hồng….) để nâng cao giá trị canh tác.

Chăn nuôi tập trung

Những ngày này, bà con xã viên Hợp tác xã chăn nuôi lợn Bản Láp 2 cũng đang phấn khởi thi đua chăn nuôi giỏi, cùng nhau phát triển hợp tác xã. Chị Nông Thị Phượng, Giám đốc hợp tác xã cho biết, trước khi có dự án đến đây, chúng tôi chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi dự án triển khai, nhóm sở thích chăn nuôi lợn được thành lập, chúng tôi đã chăn nuôi hiệu quả hơn và cả 5 hộ nghèo của xóm đều đã thoát nghèo. Hiện nay, nhóm sở thích của chúng tôi đã thành lập được hợp tác xã và hy vọng rằng với những kiến thức được dự án tập huấn, với niềm tin mạnh mẽ của dự án truyền cho, chúng tôi sẽ thắng lợi nhiều hơn.

Hợp tác xã chăn nuôi lợn Bản Láp 2 gồm 7 thành viên, vốn điều lệ 70 triệu đồng. Các xã viên đã góp vốn xây dựng được hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập trung khá hiện đại với chuồng, lồng sắt, máy soi tinh, máy vi tính nối mạng (để học tập kỹ thuật chăn nuôi trên mạng internet), hầm khí bioga... Hiện nay, hợp tác xã đang có 1 lợn đực giống, 15 lợn nái và 150 lợn thịt.

Nâng cao năng lực, khơi nguồn nội lực

Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo có tổng nguồn vốn 25,8 triệu USD, do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD tài trợ, triển khai tại 50 xã thuộc 10 huyện của tỉnh Cao Bằng. Dự án bắt đầu từ 2008, kết thúc tháng 6/2014. Không hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo kiểu “xin cho” như như các dự án khác, Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo chú trọng đến việc nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, liên kết những người sản xuất cùng một ngành hàng để hỗ trợ nhau cùng sản xuất, đồng thời hướng dẫn, giúp người dân kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Dự án tổ chức khảo sát và lựa chọn những ngành hàng (cây trồng, vật nuôi) có lợi thế của từng địa phương và khuyến khích người dân sản xuất những mặt hàng đó thông qua các hoạt động hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, liên kết ngành hàng cho các thành viên nhóm sở thích; tổ chức hội thảo giữa người sản xuất và nhà buôn, nhà tiêu thụ sản phẩm để tìm ra những phương pháp sản xuất, tiêu thụ hiệu quả nhất. Nhờ cách làm mới này, những người dân tham gia dự án đã cởi bỏ được tâm lý thụ động, chông chờ ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo, hướng tới làm giàu vững chắc. Năm 2011, có tới 54% người dân tham gia dự án thuộc diện hộ nghèo, đến cuối năm 2013, tỷ lệ này chỉ còn 35%.

Chị Trịnh Thanh Tú, cán bộ Phòng kế hoạch Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn Cao Bằng, cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng và nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp và người dân nông thôn, thay đổi phương thức giảm nghèo từ cách trợ cấp trực tiếp giảm nghèo của Chính phủ sang hỗ trợ các mô hình sản xuất định hướng thị trường phù hợp với người nghèo. Một thành công quan trọng của dự án là đã kết nối được thị trường cho dân, giúp họ nắm bắt được thị trường và sản xuất ra loại hàng hóa thị trường cần. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một bộ phận người dân rất tích cực tham gia và đạt được những kết quả khả quan. Qua phân loại, trong tổng số 468 nhóm sở thích thuộc Dự án với 9.289 thành viên, có 213 nhóm thuộc loại 1 (45,5%) 130 nhóm loại 2 (27,8%), 125 nhóm loại 3 (26,7%).

Hy vọng rằng từ những nhóm sở thích ưu tú này, phong trào liên kết sản xuất sẽ ngày càng phát triển, đưa nông dân chuyển từ sản xuất cá thể, nhỏ lẻ sang một hình thức làm ăn tập thể mới, có tổ chức, có định hướng thị trường rõ ràng, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Bài và ảnh: Quốc Đạt