02:05 05/02/2015

Ba điều cần thiết đối với Đảng cầm quyền

Nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương có bài viết "Khoa học, dân chủ, đạo đức - Ba điều cần thiết đối với Đảng cầm quyền" . Báo Tin tức Cuối tuần xin lược trích bài viết này.

Nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương có bài viết "Khoa học, dân chủ, đạo đức - Ba điều cần thiết đối với Đảng cầm quyền" . Báo Tin tức Cuối tuần xin lược trích bài viết này.

Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về Đảng và Đảng cầm quyền

Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lý giải sâu sắc về mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, với dân tộc: Từ trong bản chất của mình, Đảng ta gắn bó mật thiết với nhân dân, sự thống nhất hữu cơ giữa tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc, được dẫn dắt bởi tầm cao tư tưởng thời đại làm nên sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng. Người đặc biệt nhấn mạnh Khoa học (lý luận), Dân chủ và Đạo đức, không chỉ với các tổ chức Đảng và chính quyền mà còn với tất cả cán bộ đảng viên, công chức trong bộ máy, nhất là với những người lãnh đạo.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015).
Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN



Người chỉ ra những khuyết điểm, những chứng bệnh mà nhiều tổ chức, nhiều người, ở nhiều nơi đã mắc phải và Người yêu cầu phải thành thật và nghiêm khắc tự sửa chữa, nhất là bệnh coi khinh lý luận, từ coi thường lý luận, bằng lòng với vốn liếng kinh nghiệm trong công tác, dẫn tới chủ nghĩa kinh nghiệm rồi giáo điều, sách vở... Người cũng phê phán, chỉ trích thói ba hoa, nói nhiều làm ít, xa rời thực tiễn, xa dân, trở nên quan liêu, hành chính, giấy tờ... Người chỉ cho thấy, dân chủ, sáng kiến, hăng hái giúp cho công việc có kết quả, năng lực cán bộ được phát huy, quan hệ giữa cán bộ đảng viên với dân chúng trở nên gần gũi, thân thiết, gắn bó, cái tốt sẽ nảy nở, cái xấu mất dần đi, phong trào thi đua kháng chiến kiến quốc phát triển, lan rộng, đưa sự nghiệp tới thành công. Phải trọng lẽ phải, chân lý, trọng sự thật, phải có kỷ luật nghiêm minh, tôn trọng tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm, mọi việc phải công khai minh bạch, không có gì khuất tất, phải liêm chính.

Xây dựng và thực hiện phong cách lãnh đạo, cầm quyền của Đảng


Khoa học hóa, dân chủ hóa sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng với đạo đức là cốt lõi đã từng được đặt ra trong xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng từ những ngày đầu của đổi mới. Giờ đây, Đảng càng chú trọng xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, giáo dục cho cán bộ đảng viên về đạo đức, lối sống, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao, lấy lại niềm tin của đảng viên và nhân dân.

Khi khởi xướng đường lối đổi mới tại Đại hội VI (12/1986), Đảng ta nêu cao dũng khí tự phê bình, và xác định đổi mới là quyết sách chiến lược. Đó là sự thể hiện thái độ khoa học nghiêm túc của Đảng cầm quyền, thống nhất quan điểm khoa học, quan điểm thực tiễn, quan điểm nhân dân của Đảng khi quyết định đổi mới, trước hết Đảng phải tự đổi mới. Các Nghị quyết sau này của Đảng cũng cho thấy, trong lãnh đạo và chỉ đạo, Đảng ta đã luôn nhất quán với bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để đổi mới có kết quả và hiệu quả, cần thiết phải tạo ra nguồn xung lực mạnh mẽ là dân chủ hóa, là dân chủ trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Đổi mới kinh tế trước hết là dân chủ hóa kinh tế, áp dụng cơ chế thị trường, tiến tới phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường như hiện nay chính là tạo ra tất yếu kinh tế để phát triển dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền. Đổi mới hệ thống chính trị là thực hiện dân chủ hóa chính trị, xây dựng thể chế và cơ chế dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, làm cho chính trị và hệ thống chính trị ở nước ta vận hành theo những nguyên tắc và chuẩn mực dân chủ, làm cho chính trị và hệ thống chính trị nước ta đóng được vai trò động lực chính trị để phát triển kinh tế và xã hội.

Cũng trong 30 năm đổi mới, nhất là gần đây, với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng và chủ trương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiến hành thường xuyên, liên tục gần một thập kỷ nay, Đảng ta đã chú trọng giáo dục và thực hành đạo đức, văn hóa đạo đức trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Những chỉ dẫn cao quý, thiết thực của Hồ Chí Minh từ trong di sản của Người được thấm nhuần trong tư tưởng, hành động của Đảng, của từng tổ chức Đảng đến cán bộ đảng viên. Đó là, thực hiện lãnh đạo bằng sự gương mẫu, coi gương mẫu, nêu gương là cách lãnh đạo tốt nhất, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn; đó là tính tiên phong gương mẫu “đảng viên đi trước làng nước theo sau”; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Đẩy mạnh giáo dục, thực hành đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây đi liền với chống; thực hành tự phê bình và phê bình có lý có tình, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Tựu trung lại, thực hiện ba điều cần thiết đối với Đảng cầm quyền: Khoa học - Dân chủ - Đạo đức là thực hiện văn hóa trong Đảng, là xây dựng văn hóa của Đảng Cộng sản cầm quyền, sao cho Đảng tỏ rõ là Đảng chân chính cách mạng. Đây là một sự nghiệp lâu dài, song hành với hoạt động, với đời sống của Đảng, của đông đảo cán bộ đảng viên, của từng tổ chức Đảng ở nước ta.