12:00 26/12/2012

"Bà dân số" của bản làng

Những người dân ở xã vùng cao Cúc Phương, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) vẫn thường gọi chị Mầu Thị Nhung - dân tộc Mường, cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), với cái tên trìu mến "Bà dân số".

Những người dân ở xã vùng cao Cúc Phương, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) vẫn thường gọi chị Mầu Thị Nhung - dân tộc Mường, cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), với cái tên trìu mến "Bà dân số". Suốt 15 năm qua, chị Nhung luôn thể hiện là một người cán bộ tận tâm với nghề, không quản ngại gian khó để làm thay đổi định kiến "trọng nam, khinh nữ" đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của bà con dân tộc Mường nơi đây.

 

Khó khăn không nản


Xã Cúc Phương có gần 700 hộ, với trên 3.000 nhân khẩu, trong đó 95% là đồng bào Mường, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, người dân trong xã vẫn còn mang nặng nếp nghĩ “đông con, đông của”, nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trên 20%, cao nhất tỉnh.


 

Công tác tuyên truyền dân số đã góp phần xóa bỏ những hủ tục cũng như tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Cán bộ truyền thông dân số phát tờ rơi cho đồng bào dân tộc tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất vùng cao, chứng kiến cảnh nhiều gia đình đông con nên dẫn đến đói nghèo, cuộc sống vất vả, khó khăn, con cái không được đến trường, cơm không đủ no, áo không có mặc. Những đứa trẻ nheo nhóc, còi cọc bên những mái nhà tranh vách đất... Tất cả những hình ảnh đó đã thôi thúc chị Nhung đến với công tác dân số.


Năm 1997, chị Nhung được phân công làm cán bộ chuyên trách về công tác dân số - KHHGĐ. Với mong muốn giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, thực hiện KHHGĐ để phát triển kinh tế, nuôi dạy con cho tốt, chị đã tham mưu cho chính quyền địa phương kết hợp với các tổ chức đoàn thể, trao đổi, gặp gỡ các già làng, trưởng bản, tranh thủ uy tín của họ để tuyên truyền, vận động, giảng giải giúp đồng bào hiểu ra lợi ích thiết thực của chính sách dân số với cuộc sống.


Chị Nhung kể, ngày ấy công tác tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp đồng bào nhận thức được về KHHGĐ, chị đã phải nhiều ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng, leo bộ nửa ngày đường đến với từng thôn, bản trong xã. Có những bản ở xa hàng chục cây số, nên vào các buổi trên "con ngựa sắt", trước là loa, đằng sau là bộ tăng âm, người cán bộ dân số ấy đã kiên trì đến từng nhà, ra tận nương rẫy để tuyên truyền, vận động bằng những bài thơ, câu vè, hay có khi chỉ là câu chuyện vui về "đẻ ít, đẻ nhiều" để giúp đồng bào dễ hiểu và tiếp thu.


Công tác tuyên truyền, vận động không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người viện đủ lý do là chưa có con trai nối dõi tông đường để không thực hiện KHHGĐ. Thấu hiểu tâm tư, tình cảm, cũng như các phong tục tập quán của địa phương, chị Nhung đã áp dụng phương pháp ban ngày lên rẫy, buổi tối đến nhà để thuyết phục. "Mưa dầm, thấm đất", nhiều cặp vợ chồng đã đồng ý thực hiện các biện pháp tránh thai và đình sản.


Chị Hoàng Thị Thủy, ở thôn Bãi Cả, tâm sự: Trước kia, người dân trong xã thường quan niệm sinh nhiều con thì sẽ nhiều của và phải sinh bằng được con trai để làm trụ cột gia đình... Được chị Nhung tuyên truyền, tư vấn về lợi ích của KHHGĐ, vợ chồng chị Thủy đã hiểu, nếu sinh dày, sinh nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe và các con không có điều kiện học hành đầy đủ. Vì vậy, mặc dù sinh 2 con gái, nhưng vợ chồng chị Thủy quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

 

Cách làm sáng tạo


Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, chị Nhung luôn bám sát các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ của huyện vào tháng 3, tháng 8 hàng năm để triển khai vận động. Cùng với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đã được tập huấn, chị chủ động đề xuất với Đảng ủy, Chính quyền xã triển khai thành lập mỗi thôn, bản một nhóm hoặc câu lạc bộ về KHHGĐ, sinh hoạt thường kỳ mỗi tuần một buổi, tạo điều kiện để chị em tiếp cận với những biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản... Các cộng tác viên dân số kết hợp với già làng, trưởng các thôn, bản và chi hội phụ nữ rà soát lại số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cặp vợ chồng đã có hai con, hoặc có hai con nhưng sinh con một bề là gái để chủ động đến gặp gỡ, thuyết phục, giúp dân bản thay đổi được nếp nghĩ lạc hậu và tham gia tích cực vào các đợt sinh hoạt truyền thông dân số.


Chị Đinh Thị Bế ở bản Sấm 2, xã Cúc Phương cho biết: "Đến những buổi sinh hoạt truyền thông, chúng tôi được nghe bác sỹ và cán bộ dân số nói cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ để đẻ ít cho thoát đói, thoát nghèo".


Ngoài những công việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia nhiệt tình các đợt truyền thông dân số, chị Nhung cùng với Hội Phụ nữ xã tổ chức cho các hội viên thực hành tiết kiệm bằng hình thức “Hũ ngô tình thương”. Hàng tháng, mỗi hội viên, cộng tác viên dân số và y tế thôn bản bỏ vào hũ 10.000 đồng. Sau nửa năm, họ mở hũ lấy tiền tiết kiệm cho các gia đình được xét trong diện hộ nghèo vay không lấy lãi để phát triển sản xuất. Hiện tại, "Hũ ngô tình thương" đã có số vốn trên 20 triệu đồng và 8 hộ được vay.


Cùng với cách làm trên, chị Nhung đã mạnh dạn đến huyện Nho Quan và Trung tâm giống cây trồng tỉnh Ninh Bình trình bày về những khó khăn, thiếu thốn của địa phương để xin hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đỡ người dân một số cây, con cho năng suất, sản lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương như gấc, ngô nếp lai, khoai tây...

 

Ngoài ra, chị còn đề xuất với địa phương khuyến khích, hỗ trợ các hộ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tăng gia sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế đồi rừng. Điển hình như gia đình anh Đinh Văn Luận ở thôn Đồng Quân đã có 3 cô con gái. Ban đầu, anh Luận cương quyết không thực hiện KHHGĐ để còn sinh con trai nối dõi... Sau khi được tuyên truyền về chính sách dân số, anh đã tự nguyện đình sản để tập trung vào nuôi dạy con cái, phát triển trồng rừng, nuôi nhím, lợn, hàng năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.


Ông Đinh Thúc Chiển - Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Nhờ sự tận tâm, trách nhiệm của những cán bộ dân số như chị Mầu Thị Nhung, nên nhận thức của bà con về công tác KHHGĐ đã thay đổi. Vì vậy, 10 năm qua trên địa bàn xã không có người sinh con thứ 3, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Hiện nay, xã đã có hơn 90% phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai, tỷ lệ người sinh con thứ 3 thấp nhất tỉnh với 0,3%, số trẻ bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%, đặc biệt đã có 80 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện đi đình sản.

 

Thu Hà