08:14 11/08/2014

Ba biện pháp kiểm soát khủng hoảng tiềm năng Nga-phương Tây?

Quan điểm của Nga và phương Tây về cuộc khủng hoảng ở Ukraine là hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên thảm họa MH17 ở miền Đông Ukraine có thể sẽ đưa hai bên xích lại gần nhau.

Ông Igor Ivanov, cựu Ngoại trưởng Nga và  Malcolm Rifkind, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Anh cùng bình luận trên tờ New York Times của Mỹ mới đây rằng: Quan điểm của Nga và phương Tây về cuộc khủng hoảng ở Ukraine là hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên thảm họa MH17 ở miền Đông Ukraine có thể sẽ đưa hai bên xích lại gần nhau, không chỉ vì các bên có thể đánh giá và cảm thông sâu sắc với mức độ thiệt hại về con người, mà còn vì những sự việc diễn ra đang là điềm báo cho một tình trạng nguy hiểm hơn khiến họ có thể bị cuốn vào.

Điềm báo này là nguy cơ leo thang không mong muốn trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ dẫn đến việc Nga và NATO có thể đối đầu trực tiếp với nhau. Để tránh điều đó xảy ra, những nhà hoạch định chính sách cần phải học lại một số bài học kinh nghiệm quản lý khủng hoảng trong lịch sử.

Chỉ cần xem xét các diễn biến trước khi thảm họa MH17 xảy ra, giới quan sát có thể nhận thấy một sự suy giảm nghiêm trọng lòng tin giữa Nga và phương Tây. Những cuộc xung đột trước đó, như ở Transnistria (thuộc Moldova, biên giới phía đông Ukraine), đã thực sự ám ảnh châu Âu; các vấn đề như vậy có nguy cơ làm gia tăng khả năng đối đầu giữa Nga và phương Tây liên quan đến Ukraine. Ngoài ra, có rất ít những cuộc tiếp xúc hoặc trao đổi thông tin về các hoạt động mà quân đội mỗi bên đang tiến hành, và thỏa thuận quản lý những cuộc xung đột đang diễn ra - giữa NATO và Nga, giữa Liên minh châu Âu và Nga - là không tương xứng. Trong khi đó, một số lượng lớn vũ khí hạt nhân ở cả hai bên luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

NATO tổ chức diễn tập tại biển Baltic.


Cùng với đó, nhiều cơ chế đối thoại rất hữu ích - như Hội đồng Nga-NATO, nơi mà hai bên có thể tổ chức đối thoại hàng tháng và là một diễn đàn để thảo luận những vấn đề nan giải - hiện cũng đang bị khép lại. Kết quả cuối cùng là cuộc khủng hoảng hiện nay đang ngày càng sâu sắc, thậm chí nếu các bên tiến hành thảo luận, quản lý và kiểm soát tình hình thì kết quả cũng không khả quan.

Nhằm tránh một sự leo thang quân sự không mong muốn và để ổn định tình hình, việc thiết lập thêm 3 biện pháp dưới đây là rất cần thiết.

Thứ nhất, cần phải có một nỗ lực với sự phối hợp chung nhằm bảo đảm tất cả các bên kiềm chế về quân sự và chính trị không chỉ ở Ukraine, mà còn ở cả bên ngoài. Lịch sử cho thấy rằng một trong những khía cạnh khó khăn nhất của việc quản lý khủng hoảng là duy trì việc kiểm soát tình hình.

Việc NATO không ngừng mở rộng, tiến sát biên giới Nga hay sự việc gần đây, khi một máy bay chiến đấu Nga bay sát tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ ở Biển Đen đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Lãnh đạo các bên có liên quan nên xem xét lại những nguyên tắc của cam kết quân sự nhằm bảo đảm kiềm chế ở mọi cấp độ và hạn chế những cuộc đụng độ tiềm năng. Tương tự như vậy, Nga và phương Tây cần sử dụng những ảnh hưởng của mình để bảo đảm rằng sẽ không có sự bùng phát của bất kỳ một cuộc xung đột nào khác trong khu vực.

Thứ hai, các bên cần tăng cường trao đổi thông tin giữa quân đội và cam kết giữa NATO và Nga. Nếu Chiến tranh Lạnh có đem lại bài học nào, thì đó là những bước đi để hạn chế nguy cơ một cuộc tấn công quân sự bất ngờ từ một bên nào đó khiến khủng hoảng nổ ra. Những hành động như vậy có vai trò quan trọng trong ổn định tình hình.

Cũng cần phải thúc giục các bên tiến hành trao đổi thông tin về các hoạt động quân sự khi ra khỏi khu vực đồn trú và cho phép các nhiệm vụ liên lạc quân sự nhằm theo dõi những hoạt động như vậy. Những biện pháp đó sẽ giảm sự e ngại và nghi kị lẫn nhau một cách thực chất.

Thứ ba, các bên cần duy trì một số cuộc đối thoại trực tiếp giữa Nga và phương Tây. Hội đồng Nga-NATO đã được thành lập nhằm tiếp xúc và trao đổi giữa hai bên nhằm giúp mối quan hệ trở nên tốt hơn. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại, Hội đồng này nên tổ chức các cuộc gặp thường xuyên hơn, chứ không phải như bây giờ.

Nhìn xa hơn, vì cuối cùng nền kinh tế Ukraine phải được sự trợ giúp và hòa nhập với nền kinh tế của cả liên minh châu Âu và Nga, do đó các bên nên tiếp tục đối thoại về tương lai hợp tác giữa liên minh châu Âu và liên minh kinh tế Á-Âu. Các bên biết rằng họ đã đi được một hành trình dài kể từ khi hình thành mối quan hệ cho tới hôm nay, không có lý do gì để mối quan hệ đó không nên tiếp tục.

Hiện nay, để trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, Nga mới đây đã ra lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng rau củ, thịt, cá, sữa và các sản phẩm làm từ sữa có nguồn gốc từ Mỹ, EU, Australia, Canada và Na Uy. Cuộc chiến thương mại luôn để lại những hậu quả hết sức khốc liệt, và cuộc tranh cãi ngày càng căng thẳng giữa Nga và phương Tây cũng không phải ngoại lệ. Nhiều bên sẽ bị ảnh hưởng, song kết quả đạt được lại chẳng mấy ý nghĩa. Nếu các bên không hành động để lái những sự kiện theo cách đã được sắp đặt, thì thảm họa đó là tương lai của cuộc khủng hoảng sẽ được định hình bởi những tình huống không liên quan gì tới quan điểm hay ý chí chính trị.


CT