08:07 03/08/2011

Ba bên cùng “khổ” vì dự án trồng rừng

Hàng nghìn hộ dân ở Lai Châu đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không muốn tiếp tục tham gia trồng rừng như những năm trước. Lý do là doanh nghiệp đã không thực hiện đúng hợp đồng ký kết ban đầu, khiến những hộ dân miền núi này vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Hàng nghìn hộ dân ở Lai Châu đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không muốn tiếp tục tham gia trồng rừng như những năm trước. Lý do là doanh nghiệp đã không thực hiện đúng hợp đồng ký kết ban đầu, khiến những hộ dân miền núi này vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Một số hộ dân nhiệt tình góp đất, tham gia trồng rừng ngay từ ban đầu, nay tuyên bố sẽ phá nhổ cây giống đã trồng để quay về làm nương sau nhiều lần "kêu" cần sự can thiệp của chính quyền...

Công nhân Công ty Minh Sơn chuẩn bị cây giống trồng rừng tại huyện Tam Đường (Lai Châu).


Được biết, từ năm 2009, tỉnh Lai Châu có chủ trương trồng rừng với phương châm "dân góp đất, doanh nghiệp góp vốn". Cụ thể, doanh nghiệp được tỉnh cho phép, ký kết với người dân tham gia trồng rừng theo hình thức: Trong năm đầu tiên triển khai làm đất, trồng rừng, mỗi 1 ha người dân sẽ được doanh nghiệp trả 5 triệu đồng cùng 2 tạ gạo. Từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 người dân có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ số diện tích rừng đã trồng và được nhận mỗi năm 3 triệu đồng và 2 tạ gạo... Sản phẩm từ rừng sau này là gỗ sẽ chia đôi, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Cách làm này đã được bà con nhân dân toàn tỉnh Lai Châu hưởng ứng rất nhiệt tình. Chính vì thế, năm 2010, tỉnh Lai Châu đã trồng mới được hơn 6.000 ha. Trong đó tiêu biểu có Chi nhánh Công ty cổ phần Minh Sơn tại Lai Châu - đơn vị tham gia trồng rừng lớn nhất ở Lai Châu. Từ năm 2009 đến năm 2010, doanh nghiệp này đã trồng được hơn 2.300 ha rừng, với sự tham gia của hơn 3.200 hộ dân trên địa bàn năm huyện của tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp này cũng là đơn vị nợ tiền, nợ gạo người dân Lai Châu nhiều nhất với tổng số hơn 6 tỷ đồng.

Ông La Văn Kho ở xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, nhà có 6 ha đất nương, đã góp với doanh nghiệp 4 ha để trồng rừng với dự tính vừa có việc làm sau này, lại được ăn chia. Tuy nhiên đến giờ cây trồng đã cao tốt nhưng gia đình ông và người dân trong bản mới chỉ nhận được từ 1 đến 1,5 triệu đồng/ha từ doanh nghiệp. Ông Kho nói: "Nhà có ít ruộng, nương đem trồng cây hết rồi, hiện trong nhà chỉ còn có một bao thóc thôi... Bây giờ cây cũng đã lên cao tốt rồi, nhưng nếu không sớm được nhận tiền thì phải phá đi làm nương lại chứ không thì chết đói”.

Chính quyền tỉnh Lai Châu cho biết, sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra lại năng lực của các doanh nghiệp tham gia trồng rừng; đồng thời cũng mong người dân chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Cũng chính vì việc doanh nghiệp giảm vốn đầu tư, nợ dân tiền, gạo phục vụ trồng rừng, nên mục tiêu trồng mới 6.500 ha rừng năm 2011 của tỉnh Lai Châu cũng không thể thực hiện được nữa. Mới được nửa năm 2011, tỉnh đã phải ra quyết định điều chỉnh, cắt giảm chỉ tiêu trồng rừng mới năm nay xuống còn 3.200 ha.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Hải