09:23 10/09/2012

Australia muốn trở thành siêu cường viện trợ?

Trong một bài viết đăng trên tờ "Thời báo Canbơrơ", giáo sư chính trị học Benjamin Reilly thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định, Australia đang chuyển dịch các ưu tiên quốc tế của mình để trở thành một siêu cường về viện trợ.

Trong một bài viết đăng trên tờ "Thời báo Canbơrơ", giáo sư chính trị học Benjamin Reilly thuộc Đại học Quốc gia Australia (Ôxtrâylia) nhận định, Australia đang chuyển dịch các ưu tiên quốc tế của mình để trở thành một siêu cường về viện trợ.


 

Nhân viên Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) với trẻ em Inđônêxia.

 

Tháng 9/2012, một số nhân viên mới thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) đã được điều tới Mỹ. Tất nhiên, Australia không cung cấp viện trợ cho Mỹ, song Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức viện trợ phát triển lớn khác nằm ở Oasinhtơn và hiện nay ở Australia đã trở thành một đối tác lớn trong lĩnh vực viện trợ quốc tế.


Tính tới cuối năm 2012, mặc dù Australia vẫn tiếp tục can dự cùng Mỹ tại Ápganixtan, song số nhân viên đặc trách về viện trợ của nước này tại Oasinhtơn tăng gấp đôi so với số nhân viên phụ trách về chính sách quốc phòng. Điều này cho thấy một xu hướng mở rộng hơn. Trên phạm vi toàn cầu, Canbơrơ đang dành ngân sách cho viện trợ nhiều gần gấp 4 lần so với ngân sách cho ngành ngoại giao và chính sách đối ngoại.


Mười năm trước, ngân sách cho các vấn đề đối ngoại và viện trợ quốc tế của Australia là ngang nhau. Vào thời điểm đó, số tiền này chỉ là phần nhỏ so với ngân sách quốc phòng (khoảng 20 tỷ đôla Australia- AUD). Một thập kỷ qua, viện trợ quốc tế của nước này đã tăng gấp đôi, đạt hơn 5 tỷ AUD. Trong khi đó, ngân sách cho đối ngoại giảm, còn ngân sách quốc phòng không thay đổi.


Nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người, Australia có thể trở thành một trong những quốc gia viện trợ hào phóng nhất thế giới khi mà cả Công đảng cầm quyền và Liên đảng đối lập cam kết sẽ tăng viện trợ Australia lên mức bằng 0,5% GDP. Là nền kinh tế lớn thứ 15 trên thế giới, nhưng Australia hiện trở thành quốc gia viện trợ quốc tế lớn thứ 7 trên toàn cầu. Australia đang triển khai viện trợ tới các khu vực mới như châu Phi và Mỹ Latinh, đồng thời trở thành quốc gia tài trợ chủ chốt trong các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc.


Tuy nhiên, Australia đứng trước nguy cơ rót nhiều tiền hơn khả năng tiếp nhận của các nước nhận viện trợ. Ví dụ, thông báo mới đây của Thủ tướng Julia Gillard về sáng kiến viện trợ 320 triệu AUD cho phụ nữ các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Có thể nói, thật khó có thể sử dụng tổng số tiền viện trợ này một cách hợp lý vì nó còn lớn hơn tổng GDP của một số quốc đảo Thái Bình Dương nhận viện trợ từ Australia.


Việc mở “hầu bao” viện trợ của Australia đi đôi với việc suy giảm năng lực ngoại giao của nước này. Một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế LOWY tiến hành năm 2009 cho thấy, trong số 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vị trí ngoại giao của Australia chỉ hơn bốn nước là Ailen, Lúcxămbua, Xlôvakia và Niu Dilân. Mặc dù Australia có kế hoạch tăng số nhân viên ngoại giao tại châu Phi và Trung Quốc song xu hướng trên vẫn tiếp tục, nhất là trong bối cảnh Australia xem xét lại ngân sách. Năm nay, ngân sách quốc phòng của Australia cũng giảm rõ rệt. Dù Sách Trắng Quốc phòng 2009 cam kết tăng cường hạm đội tàu ngầm và máy bay chiến đấu cho quân đội nhưng ngân sách quốc phòng của nước này vẫn chỉ chiếm khoảng 1,56% GDP (khoảng 24,2 tỷ AUD).


Việc phân chia ngân sách “kiểu Thụy Điển” đã dần biến Australia thành một mô hình quốc gia phân bổ viện trợ rộng rãi cho các nước, ủng hộ các tổ chức quốc tế song chi tiêu rất ít cho đối ngoại và quốc phòng. Chính điều này đã khiến các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại rằng ngân sách quốc phòng của Australia “trượt dốc” nhiều hơn so với các đồng minh khác của Mỹ. Ngược lại, các nhân viên phụ trách viện trợ quốc tế của Oasinhtơn tỏ ra vui mừng khi Australia nổi lên như một “nhà tài trợ mới” tại các khu vực trước đây chưa được Canbơrơ để mắt như châu Phi và Mỹ Latinh.


Võ Giang (P/v TTXVN tại Australia)