08:22 11/08/2014

Armenia và Azerbaijan bên bờ vực chiến tranh

Hậu quả từ việc Liên Xô tan rã cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Sau các hoạt động thù địch giữa Nga và Ukraine, nay đến lượt Armenia và Azerbaijan leo thang căng thẳng.

Theo mạng tin "National Interest" ngày 8/8, hậu quả từ việc Liên Xô tan rã cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Sau những căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nay đến lượt Armenia và Azerbaijan. Sự leo thang căng thẳng giữa hai nước này trong những ngày qua đã bị lu mờ bởi các sự kiện lớn hơn trên thế giới, song đây là một điểm nóng mới có thể bùng nổ trong thời gian tới.

Sau một cuộc chiến tranh đẫm máu thời kỳ 1988-1994, tiếp theo là sự "ly khai" của vùng Nagorno-Karabakh (nằm sâu trong lãnh thổ của Azerbaijan nhưng lại có đa số dân cư là người Armenia, vốn không được công nhận bởi tất cả các bên, trong đó có cả Armenia), việc Armenia chiếm đóng 7 huyện của Azerbaijan - được gọi là Hành lang Lachin - và một cuộc ngừng bắn không dễ dàng, mấy ngày gần đây, hai quốc gia láng giềng thuộc Liên Xô trước đây lại gây hấn với nhau.

Việc 15 binh sĩ Azerbaijan bị giết dọc theo "đường tiếp xúc" mới đây đã cho thấy một bước leo thang mới trong quan hệ thù địch giữa hai nước. Thiệt hại từ hành động trả đũa, việc Azerbaijan phóng nhiều tên lửa và điều máy bay tới khu vực này, cho thấy tình hình có thể sẽ xấu đi nhanh chóng.

Bản đồ khu vực Armenia và Azerbaijan.


Trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) "bày tỏ quan ngại", thì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định đóng vai trò hòa giải. Theo dự kiến, ông có cuộc gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan tại Sochi trong các ngày 8-9/ 8 để thảo luận riêng với từng người. Mặc dù đã có một cuộc gặp giữa ông Aliyev và ông Sargsyan tại Vienna hồi tháng 10/2013 song hai bên đã không đạt được tiến bộ nào nhằm tiến tới một giải pháp lâu dài.

Bất chấp các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ), quan điểm của Armenia vẫn hết sức cứng rắn: không nhượng bộ lãnh thổ với Azerbaijan tại Karabakh. Yerevan cũng không có ý định trả lại 7 huyện không thuộc Karabakh cho Baku. Azerbaijan, với những khoản thu nhập lớn từ dầu khí, đã củng cố lực lượng quân sự của mình trong nhiều năm. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn cảm thấy bất an sau khi bị đánh bại cách đây 20 năm. Với một khoản đầu tư trị giá 40 tỷ USD vào lĩnh vực dầu khí trên đất liền và ở ngoài khơi, trong đó có đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) chạy qua biển Caspi và Địa Trung Hải, cùng với đường ống dẫn khí xuyên Anatolia (TANAP), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018 và sẽ xuất khẩu trên 30 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu, Baku rõ ràng là không muốn tham gia một cuộc chiến tranh mới.

Tuy nhiên, sự thù địch giữa hai nước hiện nay có thể không phải chuyện ngẫu nhiên. Armenia là một đồng minh trung thành của Nga. Gần đây, Armenia đã từ chối một thỏa thuận liên kết với EU mà nước này đã đàm phán kỹ lưỡng với EU trong suốt 3 năm và đã đăng ký trở thành thành viên của Liên minh Thuế quan do Nga dẫn dắt. Trong tương lai, Armenia còn có thể sẽ gia nhập Liên minh Âu-Á. Các căn cứ quân sự của Nga vẫn còn hiện diện trên lãnh thổ Armenia cho tới năm 2043, và binh sĩ Nga hiện vẫn đang bảo vệ biên giới của Armenia với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn thế, Armenia đã bỏ phiếu ủng hộ của Nga tại Đại hội đồng LHQ liên quan đến vấn đề sáp nhập Crimea. Nước này còn có thể sử dụng hành động của Nga đối với bán đảo Crimea như một mô hình cho việc xâm chiếm và sáp nhập Karabakh. Armenia có thể lập luận rằng "nếu Moskva có thể sáp nhập các vùng lãnh thổ ly khai - như Transnistria, Abkhazia, Nam Ossetia và giờ đây là Crimea - thì tại sao Armenia lại không thể sáp nhập Karabakh?".

Lính Azerbaijan canh gác tại các tù binh người Armenia tại ngôi làng Spitakesh thuộc Azerbaijan vào năm 1989. Ảnh: RIA Novosti


Về phần mình, Azerbaijan gần đây đã ngả mạnh sang phương Tây. Họ không chỉ cho phép hãng BP và các công ty năng lượng khác tiếp cận các nguồn dầu khí của mình mà còn có quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với Mỹ. Baku đã cho phép sử dụng sân bay của mình làm một điểm trung chuyển lớn trong Mạng lưới phân phối phía Bắc, qua đó cung cấp hậu cần cho Afghanistan. Quân đội Azerbaijan cũng đã được triển khai tới Iraq và đang kề vai sát cánh với quân đội NATO. Azerbaijan - một quốc gia có đa số người Hồi giáo Shi'ite thế tục và có mối quan hệ chặt chẽ với người Sunni ở Thổ Nhĩ Kỳ và với Israel - đang nhập khẩu hàng chục tỷ USD hàng hóa từ phương Tây, trong đó có máy bay Boeing.

Tuy nhiên, xuất khẩu năng lượng mới là yếu tố xác định tầm quan trọng về mặt địa chính trị của Azerbaijan. Các cuộc xung đột biên giới giữa Azerbaijan và Armenia có thể là một lời nhắc nhở phương Tây rằng các biện pháp trừng phạt Nga trong lĩnh vực dầu khí, được áp đặt do sự chiếm đóng Crimea và sự hỗ trợ lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine, có thể gây "những hậu quả ngoài ý muốn". Xe tăng từ biên giới Armenia có thể áp sát đường ống BTC sau một hoặc hai ngày. Ngay cả tên lửa và lực lượng pháo binh của Armenia cũng có thể đe dọa BTC và TANAP.

Các công cụ ngoại giao để giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan - được gọi là "Nhóm Minsk", gồm Mỹ, Nga và Pháp - hiện đã trở nên lỗi thời. Nhóm này được thiết lập trong thập kỷ 1990, khi hợp tác ngoại giao giữa Mỹ và Nga còn nằm trong chuẩn mực. Nhưng sự đối đầu giữa Nga với Mỹ và EU hiện nay đã làm thui chột mọi nỗ lực ngoại giao.

Trong khi tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này, chính quyền Obama có thể sẽ quyết định theo đuổi một kịch bản ngoại giao phức tạp, trong đó Armenia sẽ trả lại cho Baku 7 huyện của Azerbaijan vẫn còn bị chiếm đóng. Điều này có thể được thực hiện để đổi lấy việc mở biên giới bị phong tỏa, cho phép họ giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ và EU, đồng thời kết nối hạ tầng khu vực cho Yerevan, trong đó có việc kết nối mạng lưới giao thông và năng lượng của nước này với các mạng lưới đường sắt và đường ống của Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ.


TTK