09:22 11/09/2012

Ápganixtan sẽ bị chia thành 8 nước?

Chia tách các nhà nước đang tồn tại là một trong những công cụ mà các cường quốc sử dụng để thiết lập quyền cai trị. Theo mạng tin “Địa chính trị”, chuyên gia Tobias Ellwood - một nghị sỹ bảo thủ của Anh - đã được giao nhiệm vụ lập kế hoạch cho kịch bản chia tách Ápganixtan.

Chia tách các nhà nước đang tồn tại là một trong những công cụ mà các cường quốc sử dụng để thiết lập quyền cai trị. Theo mạng tin “Địa chính trị”, chuyên gia Tobias Ellwood - một nghị sỹ bảo thủ của Anh - đã được giao nhiệm vụ lập kế hoạch cho kịch bản chia tách Ápganixtan. Giữa tháng 8/2012, báo chí Iran và Ápganixtan đã đề cập tới kế hoạch này.


 

Bản đồ chia tách Ápganixtan theo kế hoạch của Ellwood.

 

Nghị sỹ Tobias Ellwood đề xuất chia tách Ápganixtan thành 8 nước nhỏ, trong đó một số vùng dành cho Taliban. Kế hoạch trên - có tên gọi “Kế hoạch C” - sẽ thực hiện các cuộc cải cách cơ bản, đặt vai trò của Tổng thống Hamid Karzai ở vị trí thứ yếu. Ápganixtan sẽ là một nhà nước “khu vực hóa”, với một vị thủ tướng mới có khả năng khắc phục sự yếu kém của chính phủ, sự chia rẽ bộ tộc và nạn tham nhũng.


“Kế hoạch C” dự tính chia tách Ápganixtan thành 8 khu vực, dựa trên các trọng điểm kinh tế gồm Cabun, Kandahar, Herat, Mazar-i-Sharif, Kunduz, Jalalabad, Khost và Bamyan. Các khu vực trên sẽ do một hội đồng đại diện cho các nhóm sắc tộc khác nhau quản lý và có sự giám sát của nước ngoài. Nghị sỹ Ellwood ủng hộ việc thiết lập chức vụ thủ tướng để giảm bớt quyền lực của tổng thống và giảm thiểu những lo ngại về việc tổng thống nắm quá nhiều quyền lực như gần 8 năm qua.


Các nguồn tin cao cấp trong chính phủ Anh xác nhận rằng, “Kế hoạch C” nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị tại Ápganixtan đã được đệ trình lên Ngoại trưởng William Hague và đang được thảo luận với các quan chức Nhà Trắng. Nghị sỹ Ellwood - từng là đại úy thuộc Trung đoàn bộ binh Hoàng gia Anh - cũng thảo luận kế hoạch trên với các quan chức chính phủ Pakixtan tại thủ đô Luân Đôn. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ trích kế hoạch này vì cho rằng kế hoạch nhằm áp đặt một hệ thống dân chủ cho Ápganixtan, đồng thời nhấn mạnh các nước đứng đầu liên minh can thiệp quân sự vào Ápganixtan cần phải tập trung vào chiến dịch rút quân trước thời hạn chót năm 2014.


Bà Wazhma Frogh - Giám đốc Viện nghiên cứu phụ nữ, hòa bình và an ninh của Ápganixtan - nói: “Tại sao một nghị sỹ Anh tại Luân Đôn lại có quyền quyết định công việc nội bộ của Ápganixtan? Chính chúng tôi, dân tộc chúng tôi có quyền quyết định nếu chúng tôi muốn chia tách đất nước thành nhiều nhà nước. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nghị sỹ của một nước dân chủ lại dự tính tương lai và đưa ra giải pháp cho một đất nước mà ông ta hay các con của ông ta không sinh sống”.


Nghị sỹ Ellwood hiện làm việc với tư cách là cộng tác viên cho Vụ các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao Anh. Ông Ellwood ủng hộ một giải pháp chính trị bao gồm cả Taliban, được coi là cần thiết để duy trì sự ổn định dài hạn cho Ápganixtan. Trong một báo cáo được báo “Độc lập” đưa tin ngày 9/9, ông Ellwood giải thích: “Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế có thể yên tâm rằng việc xem xét lại chiến lược an ninh cuối cùng cũng tiến triển, song mối đe dọa về một cuộc nổi dậy sẽ không thể loại trừ nếu chỉ sử dụng vũ lực. Taliban sẽ không tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa nếu không có một chiến lược khả thi mà họ có thể tham gia… Một giải pháp thay thế đang mở ra một cấu trúc chính trị ít tập trung hơn khi phản ánh tốt nhất yếu tố dân tộc của đất nước. Các trọng điểm kinh tế vẫn tồn tại và lợi ích khu vực của Taliban khi đó sẽ có thể được đề cao và lực lượng này sẽ tham gia vào một giải pháp chính trị”.


Văn Hào