04:00 20/04/2011

Ápganixtan: Đám cưới xa hoa sắp đến giờ cáo chung

Là một nhân viên nhà nước, số tiền anh Ahmad Mahfooz kiếm được gấp 10 lần mức lương trung bình hàng năm 400 USD của người dân Ápganixtan. Thế nhưng, anh vẫn không thể đủ tiền để cưới vợ.

Là một nhân viên nhà nước, số tiền anh Ahmad Mahfooz kiếm được gấp 10 lần mức lương trung bình hàng năm 400 USD của người dân Ápganixtan. Thế nhưng, anh vẫn không thể đủ tiền để cưới vợ.

Toàn cảnh của City Star - một địa điểm tổ chức cưới ở khu Wazir Abad, thủ đô Cabun.


Hồi tháng 12/2010, sau lễ đính hôn hoành tráng với số lượng khách mời lên tới 500, Mahfooz đã nợ hàng ngàn USD và giờ anh không biết làm thế nào để gánh nổi chi phí cho một lễ cưới đúng theo nguyện vọng của cô vợ sắp cưới và gia đình cô. Mahfooz than thở: "Tôi vay tiền của hầu hết những người quen biết và tôi chẳng biết làm thế nào để có thể kiếm đủ tiền làm đám cưới". Ahmad Mahfooz chỉ là một trong số những người Ápganixtan trung lưu đang khốn khổ với chi phí đám cưới tăng vọt.

Kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ, lễ cưới ở Ápganixtan đã "chuyển mình" từ chỗ chỉ là một sự kiện gia đình đơn giản trở thành một bữa tiệc xa hoa với hàng ngàn thực khách. Đám cưới đã trở thành một "bài kiểm tra" mức độ giàu có của chú rể - người mà theo truyền thống phải chịu toàn bộ chi phí lễ cưới và đôi khi còn phải chi cả của hồi môn cho gia đình cô dâu.

Ông Abdul Majid Ghanizada, Giám đốc bộ phận luật dân sự của Bộ Tư pháp Ápganixtan, cho biết: Một thực tế hiện nay ở Ápganixtan là tiệc cưới đã trở thành "một kiểu cạnh tranh để khoe sự giàu sang và quyền lực". Phần lớn thanh niên không thể kết hôn vì không cáng đáng nổi chi phí; trong khi nếu đủ can đảm để kết hôn, chú rể và gia đình sẽ trở thành những con nợ sau đám cưới.

Nhận định về căn nguyên của thực trạng này, nhà xã hội học Barayalai Fetrat thuộc trường Đại học Kabul cho rằng, tiệc cưới xa hoa là một hiện tượng mới nổi ở thành thị Ápganixtan - khu vực mà trong những năm gần đây thu hút được một nguồn ngoại tệ lớn dưới dạng viện trợ và chi phí quân sự. Ông Fetrat nói: "Hàng tỷ USD đã đổ vào Ápganixtan khiến một số người trở nên rất giàu và họ đã nảy ra những cách thức mới để khoe sự giàu có". Ông Fetrat cũng khẳng định đám cưới tốn kém không bắt nguồn từ nền văn hoá Ápganixtan.

Lo ngại thực trạng chi phí đám cưới tăng cao khiến nhiều thanh niên trì hoãn kết hôn, chính phủ Ápganixtan đang cân nhắc việc cấm các đám cưới phô trương. Theo Bộ Tư pháp nước này, một dự luật đang được soạn thảo sẽ giới hạn lượng khách mời trong một tiệc cưới ở con số 300 và giới hạn chi phí cho một thực khách ở mức khoảng 5 USD.

Theo hãng tin Reuters, quyết định quản lý các đám cưới của chính phủ Ápganixtan được đưa ra sau khi một số quan chức tỉnh và người đứng đầu một số bộ lạc đã có những hành động tương tự. Cuối tháng trước, chức sắc của một số làng ở tỉnh Jawzjan (miền bắc Ápganixtan) đã cấm đám cưới xa hoa và của hồi môn đắt tiền nhằm khuyến khích thanh niên kết hôn thay vì trì hoãn đám cưới do thiếu tiền. Giới chức sắc quy định chi phí đám cưới phải phù hợp với khả năng tài chính của chú rể và người vi phạm sẽ không được mời tới các đám cưới khác trong làng. Một chức sắc ở Jawzjan tên là Azaad Khwa nói: "Kết hôn là quyền của mọi người và đám cưới không được trở thành một gánh nặng lớn đối với cô dâu, chú rể. Bắt gia đình chú rể phải trả tiền mọi thứ và chi tiền đãi hàng trăm người là một tội lớn".

Thế nhưng, dự luật mới này không phải là một tin vui với tất cả mọi người. Tổ chức đám cưới là một ngành kinh doanh hốt bạc tại các thành phố ở Ápganixtan. Các địa điểm tổ chức tiệc cưới đã mọc như nấm sau mưa trong thời gian gần đây. Chỉ riêng thủ đô Cabun đã có hơn 70 địa điểm tổ chức tiệc cưới. Những người kinh doanh tiệc cưới lo sợ ngành này sẽ sập tiệm nếu dự luật trên trở thành luật.

Thùy Dương