06:13 06/06/2012

Áp lực nới lỏng tiền tệ đè nặng lên nhiều nước

Các nước như Ôxtrâylia, Braxin… đã khởi động việc giảm lãi suất để ứng phó với khó khăn, gây sức ép nới lỏng tiền tệ tới các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Hàn Quốc và cả khối EU.

Đứng trước tình hình triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi, các nước như Ôxtrâylia, Braxin… đã khởi động việc giảm lãi suất để ứng phó với khó khăn. Việc này làm tăng áp lực phải giảm lãi suất hoặc nới lỏng tiền tệ đối với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Hàn Quốc và cả khối EU.

 

Nhiều nước đang bơm tiền vào nền kinh tế. Ảnh: Internet

Ngày 5/6, Ngân hàng Trung ương Ôxtrâylia (RBA) đã quyết định hạ lãi suất từ mức 3,75% xuống còn 3,5%, là mức thấp nhất từ năm 2009 nhằm bảo vệ nền kinh tế này khỏi các rủi ro ngày càng lớn trên toàn cầu.

 

Đối với Braxin, tiến trình giảm lãi suất bắt đầu được khởi động từ tháng 8/2011 và trong 10 tháng qua, nước này đã 7 lần hạ lãi suất. Trong số những nước chưa bước vào nới lỏng tiền tệ, áp lực đối với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và cả khối EU càng trở nên lớn hơn bao giờ hết. Hôm nay (6/6), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ quyết định liệu có giảm lãi suất theo lời kêu gọi của thị trường hay không.

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực Sử dụng đồng euro (Eurozone) tạo ra áp lực cực lớn đối với ECB và hôm nay, rất có thể ECB sẽ tiếp tục thực thi chương trình tái cấp vốn dài hạn (LTRO), cấp tín dụng lãi suất thấp cho các thể chế tài chính, giúp kinh tế châu Âu trở lại với sự hồi phục.

 

Tiếp đó, vào ngày 7/6, Ngân hàng Trung ương Anh cũng sẽ công bố quyết sách lãi suất. Nhiều dự đoán cho rằng Anh sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp kỉ lục 0,5% và có thể khởi động chính sách nới lỏng định lượng (QE) một lần nữa.

 

Theo chuyên gia kinh tế Larsson thuộc Công ty Tư vấn Thị trường RBC, có nhiều dấu hiệu rất rõ ràng về việc Ngân hàng Trung ương Anh đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tung ra QE khi cần thiết.

 

Với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, áp lực nới lỏng tiền tệ còn lớn hơn. Lạm phát của Nhật Bản hiện vẫn thấp hơn nhiều mục tiêu 1% mà Ngân hàng Trung ương nước này đề ra cho thấy nguy cơ giảm phát, nên những lời kêu gọi thực hiện biện pháp kích thích kinh tế ngày càng nhiều và mạnh mẽ.

 

Dù đã giảm lãi suất vào tháng 4, nhưng do rủi ro lạm phát tăng cao vẫn còn, nên không gian giảm lãi suất của Ấn Độ bị hạn chế. Dẫu vậy, do tình hình kinh tế thế giới từ tháng 4 trở lại đây tiếp tục xấu đi, giá cả hàng hóa cơ bản giảm mạnh, nên khả năng Ấn Độ giảm lãi suất một lần nữa đã tăng lên.

 

Trong trường hợp của Mỹ, dù nước này vẫn đang thực hiện chính sách lãi suất thấp gần bằng 0, nhưng trước sự xấu đi của kinh tế châu Âu, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, tình hình sản xuất suy giảm và đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống tới gần, phần đa các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng chính quyền Obama sẽ tiến hành chính sách nới lỏng định lượng lần thứ ba (QE3).

 

Hà Ngọc