04:06 04/04/2011

Anwar al-Awlaki: Trùm khủng bố nguy hiểm - Kỳ I: Tôi luyện trong nền giáo dục phương Tây

Trùm khủng bố Anwar al-Awlaki, 40 tuổi, có rất nhiều biệt danh khác nhau như: "Giáo chủ Hồi giáo E-mail", "Chuyên gia YouTube", "Osama Bin Laden mạng". Hiện nay, Anwar al-Awlaki trở thành "phần tử khủng bố hàng đầu" trong con mắt nước Mỹ.

Trùm khủng bố Anwar al-Awlaki, 40 tuổi, có rất nhiều biệt danh khác nhau như: "Giáo chủ Hồi giáo E-mail", "Chuyên gia YouTube", "Osama Bin Laden mạng". Hiện nay, Anwar al-Awlaki trở thành "phần tử khủng bố hàng đầu" trong con mắt nước Mỹ. Ngày 9/2/2011, Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ tuyên bố, mối đe dọa lớn nhất tới an ninh nước Mỹ hiện tại không phải là Osama Bin Laden, mà là trùm khủng bố Anwar al-Awlaki, người mang hai quốc tịch Mỹ và Yêmen. Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, Janet Napolitano trong phiên điều trần trước Quốc hội đã nói, Anwar al-Awlaki là nhân vật đứng đầu Chi nhánh mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại bán đảo Arập (AQAP) đóng ở Yêmen. Anwar al-Awlaki truyền phát tư tưởng cực đoan thông qua mạng Internet, chiêu mộ hàng trăm phần tử "thánh chiến", khiến nước Mỹ đối mặt với nguy cơ khủng bố lớn nhất kể từ sau sự kiện 11/9/2001.

Kỳ I: Tôi luyện trong nền giáo dục phương Tây

Trùm khủng bố Anwar al-Awlaki.

Anwar al-Awlaki sinh ngày 22/4/1971 trong một gia đình Yêmen sống tại Las Cruces, bang New Mexico, Mỹ. Cũng vào năm đó người cha của al-Awlaki là Nasser đã lấy được bằng thạc sĩ kinh tế nông nghiệp tại Đại học New Mexico. Năm 1977, Nasser tiếp tục thi đỗ tiến sĩ tại Đại học Nebraska và sau đó làm việc tại Đại học Minnesota. Năm 1978, Nasser đưa Anwar al-Awlaki lúc đó mới 7 tuổi trở về Yêmen.

Tại quê nhà Yêmen, Nasser đã được thăng quan tiến chức rất nhanh và giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp Yêmen. Ngoài ra, Nasser còn giữ chức hiệu trưởng trường Đại học Sana'a. Hiện tại, Nasser là thành viên chủ chốt của Đại hội nhân dân toàn quốc - một chính đảng của Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh và có họ hàng thân thiết với Thủ tướng Yêmen Mujawar.

Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc như vậy, al-Awlaki không phải bận tâm đến cơm áo gạo tiền và được tiếp nhận sự giáo dục tôn giáo và học trung học tại Yêmen. Năm 1991, khi bước sang tuổi 20, al-Awlaki trở lại Mỹ theo học khoa công trình xây dựng tại Đại học bang Colorado. Theo luật pháp Mỹ, al-Awlaki hiển nhiên có quốc tịch Mỹ, tuy nhiên anh ta lại thích sử dụng visa học sinh ngoại quốc và hộ chiếu Yêmen để nhập cảnh vào Mỹ. Ngoài ra, al-Awlaki còn nhận được học bổng của chính phủ Yêmen. Sau này, Cơ quan an ninh Mỹ đã phân tích al-Awlaki làm như vậy là để chứng minh bản thân mình là người Yêmen.

Trong thời gian học đại học, al-Awlaki đã làm Chủ tịch "Hiệp hội sinh viên Hồi giáo" nhờ vào khả năng hùng biện và tổ chức tuyệt vời của bản thân.
Mùa hè năm 1993, al-Awlaki đã lợi dụng cơ hội học đại học để đến Ápganixtan hội ngộ với những "chiến binh thánh chiến" địa phương. Những chiến binh này lúc đó đều đã từng giao chiến với quân đội Liên Xô tại Ápganixtan. Sau khi trở về từ Ápganixtan, al-Awlaki vốn là một fan hâm mộ ngôi sao nhạc rock Michael Jackson đã hoàn toàn thay đổi. Hắn luôn đội mũ Ápganixtan và luôn miệng nói về sự "giáo huấn" của giáo sĩ Abdullah Azzam, người Palextin. Abdullah Azzam là người cổ súy "thánh chiến", chủ trương "tiêu diệt những kẻ ngoại đạo", "giải phóng Ápganixtan". Và kể từ đó tư tưởng cực đoan đã bắt đầu "ăn sâu bám rễ" vào đầu óc al-Awlaki.

Trường Đại học Colorado, nơi al-Awlaki từng theo học hồi đầu những năm 1990.

Năm 1994, sau khi cưới cô em họ đến từ Yêmen, al-Awlaki chuyển sang làm thầy tế Hiệp hội Hồi giáo tại thành phố Denver, bang Colorado, trong thời gian 2 năm. Sau đó hắn lại chủ trì một nhà thờ Hồi giáo tại San Diego, California và học lấy bằng thạc sĩ giáo dục. Thời gian đó al-Awlaki bị nhiều điều tiếng không tốt, từng bị bắt hai lần vào tháng 8/1996 và tháng 4/1997 vì những mối làm ăn bất chính.

Năm 2001, al-Awlaki học tiến sĩ chuyên ngành phát triển nguồn nhân lực tại Đại học George Washington, tuy nhiên vào tháng 3/2002 lại trở về Yêmen mặc dù chưa tốt nghiệp. Khi rời khỏi Mỹ, al-Awlaki đã tới cư trú tại Anh 2 năm để tuyên truyền tư tưởng cấp tiến. Năm 2004, al-Awlaki trở về Yêmen làm giáo viên tại một trường đại học nổi tiếng về tư tưởng cấp tiến. Tháng 8/2006, al-Awlaki bị chính quyền Yêmen bắt giam 18 tháng vì nghi ngờ tiến hành các hoạt động khủng bố. Anwar al-Awlaki đã nhận định đây là kết quả của việc Mỹ gây sức ép đối với chính phủ Yêmen, chính vì thế hắn ngày càng căm hận nước Mỹ.

Trong lao tù, al-Awlaki dành thời gian cả ngày để nghiên cứu tác phẩm "Hội những người anh em Hồi giáo" của nhà lý luận Sayyid Qutb. Nhân vật này được mệnh danh là "người sáng lập phong trào thánh chiến chống phương Tây đương đại", "Bố già của phong trào Hồi giáo cực đoan toàn cầu", đã bị treo cổ năm 1996 vì trợ giúp hoạt động lật đổ chính phủ Ai Cập. Anwar al-Awlaki đã nghiền ngẫm tác phẩm của Sayyid Qutb, mỗi ngày đọc từ 150 đến 200 trang sách. Anwar al-Awlaki tự cho mình là người "đắm mình trong tác phẩm của tác giả", và đã biến thành người theo phái cực đoan thề không đội trời chung với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Ngọc Thúy (Tổng hợp)

Kỳ II: Chủ mưu của nhiều vụ khủng bố