04:22 05/04/2011

Anwar al-Awlaki: Trùm khủng bố nguy hiểm - Kỳ cuối: Dấu tích của Anwar al-Awlaki và hành động của Mỹ?

Tháng 1/2010, tờ "Thời báo Los Angeles" dẫn lời các quan chức Cơ quan tình báo Mỹ cho biết Anwar al-Awlaki đã bị liệt vào danh sách cần phải tiêu diệt.

Tháng 1/2010, tờ "Thời báo Los Angeles" dẫn lời các quan chức Cơ quan tình báo Mỹ cho biết Anwar al-Awlaki đã bị liệt vào danh sách cần phải tiêu diệt. Vào tháng 2 năm đó, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, Dennis Blair cho biết đã nhận được giấy phép đặc biệt cho phép tiêu diệt "những công dân Mỹ có mối đe dọa trực tiếp tới nước Mỹ". Ngày 7/4, tờ "Thời báo New York" tiết lộ Tổng thống Mỹ Obama đã đích thân hạ lệnh "tiêu diệt có mục tiêu" đối với Anwar al-Awlaki.

Anwar al-Awlaki cùng với các cộng sự tại thủ đô Xana của Yêmen hồi giữa năm 2010.

Tuy nhiên, cũng giống như việc săn lùng Osama Bin Laden nhiều năm không mang lại kết quả, tiêu diệt al-Awlaki cũng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Các quan chức an ninh Yêmen cho biết al-Awlaki trú ẩn tại khu vực vùng núi xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Shabwah, phía nam Yêmen. Khu vực này được mệnh danh là "vành đai tam giác ma quỷ", có rất nhiều núi, sa mạc, vì thế rất khó để truy tìm tung tích của al-Awlaki.

Máy bay không người lái của CIA liên tục tiến hành không kích khu vực được cho là al-Awlaki có thể lẩn trốn. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng thường xuyên sục sạo khu vực này, tuy nhiên tất cả đều không mang lại kết quả. Một số phân tích cho rằng các phần tử khủng bố đứng đầu là al-Awlaki đã có trong tay khoảng 400 phần tử cực đoan sẵn sàng tử vì đạo tại khu vực này. Ngoài ra, những phần tử khủng bố này còn được sự trợ giúp của các bộ tộc địa phương, một số phần tử còn kết hôn với người địa phương. Ngày 9/4/2010, một trong những bộ tộc lớn nhất Yêmen, bộ tộc Avarick đã tuyên bố phản đối "mọi hành động hợp tác với Mỹ để tiêu diệt Anwar al-Awlaki".

Ngày 6/11/2010, các thẩm phán tòa án Yêmen đã yêu cầu cảnh sát truy bắt al-Awlaki bất luận là còn sống hay đã chết. Ngày 17/1/2011, tòa án an ninh Yêmen đã xử vắng mặt al-Awlaki 10 năm tù giam vì tội danh "kích động công chúng tiêu diệt người nước ngoài".

Quân đội Yêmen trong một chiến dịch truy tìm Anwar al-Awlaki tại vùng đồi núi Shabwa và Marib.

Việc truy bắt al-Awlaki gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên điều khó khăn hơn đó là việc tên này không phải là mối đe dọa duy nhất đối với Mỹ. Tạp chí "Chính sách ngoại giao" của Mỹ cho biết phạm vi hoạt động của các phần tử khủng bố đã có sự dịch chuyển, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đang đứng trước sự chuyển đổi về chất. Anwar al-Awlaki và các phần tử khủng bố của Al-Qaeda tại Pakixtan, Xômali đã chiêu mộ được nhiều phần tử vũ trang với quy mô lớn hơn thời kỳ Osama Bin Laden. Việc tái phát triển của tổ chức al-Qaeda khiến cho cuộc chiến chống khủng bố của phương Tây phải tiếp tục kéo dài hàng chục năm nữa.

Thời điểm mà al-Awlaki xuất hiện cũng khiến nước Mỹ rất lo lắng. Tên trùm khủng bố này sinh sống trong một thời đại có mối quan hệ mật thiết giữa "thế giới ảo" với "xã hội hiện thực". Tất cả các hành động kích động trên mạng Internet đều nhanh chóng chuyển biến thành hành động thực tế. Hơn nữa, sau sự kiện 11/9/2001, nước Mỹ lại phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính, vì thế hiện tại nước Mỹ rất khó khăn nếu phải hứng chịu thêm một vụ khủng bố lớn nữa. Điều này giải thích tại sao al-Awlaki khiến nước Mỹ hoang mang, sợ hãi và liệt hắn vào "danh sách phần tử khủng bố nguy hiểm hàng đầu".

Đương nhiên, người Mỹ cũng có "tư duy chiến lược" của riêng mình. "Báo cáo chiến lược quân sự quốc gia" mới được Mỹ công bố cho thấy, trọng tâm chiến lược của Mỹ sẽ chuyển dịch dần khỏi Irắc và Ápganixtan.

Ngày 7/1/2011, nhiều quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền của Tổng thống Obama đã thiết lập trung tâm quân sự mới nhằm mở rộng cuộc chiến bí mật chống khủng bố. Trung tâm này có nhiệm vụ triển khai các hoạt động tại các khu vực điểm nóng mà phần tử khủng bố hoạt động ráo riết trên toàn cầu, áp dụng chiến lược chống khủng bố chủ động, trọng điểm đặt tại một số quốc gia điểm nóng có hoạt động khủng bố tràn lan như Pakixtan, Yêmen và Xômali. Như vậy có thể thấy rằng sự điều chỉnh chiến lược chống khủng bố của Mỹ có quan hệ với sự xuất hiện "phần tử khủng bố đe dọa hàng đầu" nước Mỹ, Anwar al-Awlaki.

Ngọc Thúy
(Tổng hợp)