Người dân ven biển Đông Bắc Bộ hối hả chống bão số 7

Người dân cuống cuồng thu hoạch nông sản, ngư dân thì hối hả đưa thuyền vào bờ trước cơn bão số 7 rất mạnh đang tiến gần.

Nông dân huyện Thái Thụy thu hoạch lúa mùa.

Để chủ động ứng phó bão số 7 (Sarika) dự báo là rất mạnh, di chuyển nhanh, lãnh đạo các tỉnh ven biển Đông Bắc Bộ trải dài từ Thái Bình đến Quảng Ninh đã chủ động kêu gọi người dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển nhanh chóng sơ tán ngay khi có lệnh.

Ủy ban nhân dân các tỉnh kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn. Hiện tại, gần 8000 tàu thuyền ở Quảng Ninh đang trên đường về nơi tránh trú bão (Trong đó gần 500 tàu du lịch đã về nơi tránh trú bão an toàn). Tỉnh Quảng Ninh đã ra thông báo cấm biển từ 8 giờ ngày 18/10.

Bà con Thái Bình khẩn trương thu hoạch lúa Mùa theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân.

Gia đình bà Bùi Thị Thắm, thôn Phú Sơn, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình thuê máy gặt lúa để chạy bão.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng (phải) cùng nông dân thu hoạch lúa tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng.

Tại Thanh Hóa, đến sáng 18/10, tất cả phương tiện tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh đã tìm được nơi tránh trú bão số 7 an toàn. Hiện chỉ còn 76 phương tiện tàu thuyền với 174 lao động đang hoạt động gần bờ biển trong tỉnh. Dự kiến chiều cùng ngày các phương tiện trên sẽ vào bờ an toàn.

Tàu thuyền neo đậu an toàn tại vịnh Hạ Long. 

Lực lượng công an huyện Phú Vang kiểm tra, hướng dẫn và giúp đỡ ngư dân đưa tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão số 7 tại xã Phú Thuận.

Tàu thuyền của ngư dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào neo đậu, tránh trú bão số 7.

Tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân Nghệ An đã vào bờ neo đậu an toàn để tránh bão số 7 (ảnh chụp sáng 18/10/2016 tại Cửa Hội, Nghệ An).

Để ứng phó với bão số 7, chiều 17/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung triển khai chống bão từ ngày 18/10. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn, phối hợp với lãnh đạo các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão.

Ngư dân xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải đưa thuyền nhỏ lên bờ để tránh trú bão.

Người nuôi ngao xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải khẩn trương thu hoạch ngao để giảm thiểu thiệt hại trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Lực lượng công an giúp người dân huyện Thạch Hà vận chuyển lúa.

Trong chiều 17/10, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã họp khẩn về việc chuẩn bị phòng chống bão số 7. Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu, trước 17 giờ ngày 18/10 phải đưa toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, con người, lồng bè về nơi an toàn; trước 15 giờ ngày 18/10 phải di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khu nhà xung yếu. Dự kiến, thành phố Hải Phòng sẽ cho học sinh nghỉ học vào ngày 19/10. Để chuẩn bị ứng phó khi bão đổ bộ, UBND thành phố Hải Phòng sẽ huy động hơn 40.000 người tham gia lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời huy động hơn 1.000 xe ô tô các loại, hơn 500 tàu, xuồng, lương thực, thuốc men, lều bạt thường trực, ứng cứu.

Chùm ảnh: TTXVN/Tin Tức
Nam Định dồn toàn lực chống bão số 7
Nam Định dồn toàn lực chống bão số 7

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, tỉnh Nam Định đang dồn toàn lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó với bão số 7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN