Hút hồn chợ quê mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười

Mỗi khi vào mùa nước nổi, chợ quê cũng nhộn nhịp hẳn với nhiều đặc sản như cá linh, bông điên điển, bông súng… Dù chỉ là những món sản vật bình dị, dân dã nhưng chứa đựng những nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của vùng sông nước miền Tây.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi rảo quanh chợ thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), thật dễ dàng bắt gặp những rổ bông điên điển vàng tươi. Là một loài bông có hương vị rất đặc trưng, vừa nhân nhẫn lại có hậu ngọt nên từ lâu đã trở thành món khoái khẩu của người dân Nam Bộ. Điểm đặc biệt của loại bông này là chỉ xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi.

Bông điên điển với màu vàng óng đặc trưng, chỉ xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi.

Vừa đặt chân đến đầu chợ, chị Bình, một tiểu thương bán nhiều năm tại chợ, liền chào mời chúng tôi mua bông điên điển. “Bông điển có giá 50.000 đồng/ký à. Mua mấy ký ăn cho đã đi, chứ tới mùa khô muốn ăn cũng khó”, chị Bình tươi cười nói.

Chị Bình, một tiểu thương ở chợ Hồng Ngự (Đồng Tháp) đang lặt bông điên điển.

Theo lời chị Bình, bông điên điển được các hộ dân hái dọc theo các kênh mương và bãi đất bồi vào buổi sáng sớm. Mỗi ngày bán được vài ba ký cũng tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Người dân thường hái bông điên điển dọc kênh mương trong mùa nước nổi.

Ngoài bông điển, chợ quê còn “khoác” lên mình nhiều nét đặc sắc, hấp dẫn vào mùa nước nổi bởi những sản vật như: cá linh, bông súng...

Một người dân đang chọn mua bông súng tại chợ thị xã Hồng Ngự.

Những tiểu thương tại chợ Hồng Ngự cho biết, những dây bông súng vươn dài theo con nước được người dân sang tận Campuchia nhổ về.

Bông súng được cuốn thành từng lọn trông rất đẹp mắt.

Được biết, bông súng dài từ 3 – 4 mét. Để cho tiện buôn bán, các tiểu thương thường cắt ra và cuốn thành từng lọn với giá khoảng 8.500 đồng/lọn. Bông súng có thể nấu nhiều món ăn dân dã, “thấm đẫm tình quê” như: canh chua, bông súng chấm cá kho, xào với tép...

Một góc chợ quê với các sản vật mùa nước nổi.

Với đặc sản cá linh, mỗi ngày, những người chuyên nghề đánh bắt cá trong mùa nước nổi thường mang cá linh về chợ Hồng Ngự vào lúc tờ mờ sáng. “Họ thường mang cá về từ lúc 3 - 4 giờ sáng. Tháng này cá đã nhiều và cá đã được làm sạch có giá bán khoảng 150.000 đồng/ký”, một tiểu thương ở chợ cho biết.

Những tiểu thương đang sơ chế cá linh.

Đến với chợ quê ở các tỉnh đầu nguồn vùng lũ Đồng Tháp Mười vào những ngày này mới có thể thấy hết được những nét đẹp đặc trưng, thể hiện sự hào phóng của mùa nước nổi ban tặng cho người dân nơi đây.

Nước về trên cánh đồng huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Rời chợ Hồng Ngự, chúng tôi theo chân người dân vùng đầu nguồn thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đi đóng dớn bắt cá linh non đầu mùa.

Những người dân khai thác sản vật tự nhiên trong mùa nước nổi ở vùng lũ Đồng Tháp Mười.

Để bắt cá linh, người ta dùng các dụng cụ như: dớn, lưới, đáy, đăng, đó... trong đó dớn là dụng cụ đặc trưng nhất. Một chiếc dớn thường có chiều dài 200 mét, được đóng cố định bằng 120 cây tràm và tạo thành hình mũi tên hai đầu gọi là “mỏ neo”. Tại hai đầu mỏ neo, người ta sẽ đặt hai cái đú để dụ cá linh theo dòng nước bơi vào.

Dớn được đặt trên ruộng đồng ngập nước ở huyện Hồng Ngự.

Là loài cá tự nhiên, cá linh sinh ra khi có dòng nước lũ và theo thủy trình trôi dạt trong dòng nước sông Mê Kông về hạ nguồn. Theo người dân vùng lũ cho biết, cá linh được chia làm nhiều loại như: cá linh tròn, cá linh rìa, linh cám, linh ống.

Kéo lưới bắt cá linh.

Năm nay lũ về sớm, tuy mới đầu mùa nước, nhưng mỗi ngày đi đỗ dớn, người dân vùng lũ thu được từ 50 đến 70 kg cá linh non.

Cá linh thu hoạch sau khi kéo lưới.

Từ cá linh, bông điên điển, bông súng, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chế biến thành nhiều món ăn đậm hương vị miền quê.

Món lẩu cá linh với bông điên điển và bông súng thắm đượm tình quê được xem là đặc sản của miền Tây Nam bộ.

Có thể nói, với những người xa quê, khi ăn cá linh chắc chắn khiến họ dấy lên cảm giác bùi ngùi nhớ quê, nhớ những mùa nước nổi ngày nào. Còn với khách phương xa, món ăn này tạo cảm giác lạ miệng nhưng mang đầy hấp dẫn.

Lê Anh/Báo Tin Tức
Bắt chuột đồng mùa nước nổi
Bắt chuột đồng mùa nước nổi

Đang còn ngáy ngủ, co ro trong chiếc mền dày, ông anh họ lay mạnh: "Dậy mau đi bắt chuột đồng". Như có lực thôi miên, tôi bật dậy tỉnh queo: "Sớm vậy huynh?". "Ờ, phải đi từ sáng sớm mới bắt được nhiều”. Sở dĩ ông anh tôi bảo thế vì sáng sớm, con nước lên cao, rắn, cúm núm, chuột đồng, cò... kéo nhau lên các gò cao trú ngụ. Đây là cơ hội ngàn vàng để đi săn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN